Bất chấp đại dịch COVID-19, Đông Nam Á vẫn có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021. Ảnh minh họa: Nikkei/VTV.vn
Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á Mark Billington cho hay, sự gia tăng về số ca nhiễm từ đầu năm đến nay “đã làm lu mờ, song vẫn không làm chệnh hướng của tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực”.
Tốc độ tiêm chủng sẽ tiếp tục là một biện pháp quan trọng góp phần cho sự tăng trưởng trong cuối năm 2021.
Cụ thể, sự phục hồi trong kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ diễn ra sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực giảm 4,1% vào năm 2020. Theo báo cáo, sự phục hồi này được hỗ trợ bởi các hoạt động thương mại toàn cầu được cải thiện, chính sách vĩ mô phù hợp, cũng như việc hỗ trợ tài chính của chính phủ vẫn tiếp tục diễn ra, cộng thêm lãi suất trong khu vực vẫn tồn tại ở mức thấp.
Vào năm 2022, tăng trưởng được dự báo sẽ cải thiện lên mức 6,5% khi các quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng và chứng kiến sự phục hồi đồng bộ hơn giữa các ngành.
Giữa các nền kinh tế, tốc độ phục hồi được nhận định sẽ là dựa vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của từng quốc gia.
Singapore và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu tiến trình phục hồi trong khu vực. Trong đó, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 7,6%, với nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại mức tiền đại dịch vào nửa cuối năm 2021.
Với Singapore, thành công của nước này trong tiến trình triển khai tiêm chủng đã “góp phần rất lớn vào triển vọng lạc quan và Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021”. Dự báo cho mức tăng trưởng là 6,4%, mặc dù có khả năng nước này sẽ kéo dài tình hình đại dịch như hiện nay.
So với quý I, mức tăng trưởng dự kiến sẽ suy yếu trong quý II do các hạn chế chặt chẽ hơn kéo theo nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, các hạn chế dự kiến sẽ được nới lỏng và giảm bớt trong tháng 6, tháng 7 đối với hầu hết các quốc gia. Điều này có khả năng tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế được cải thiện trong nửa cuối năm nay, nội dung báo cáo của ICAEW cho hay.
Ngoài Philippines và Thái Lan, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á được dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng tiền đại dịch trong năm 2021 này, với Singapore và Malaysia có thể tăng trưởng từ 2% - 2,5% so với mức trước khi bùng dịch COVID-19.
Bên cạnh những dự báo này, báo cáo của ICAEW cũng lưu ý sự tồn tại của những bất ổn có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau đại dịch, chẳng hạn như hiệu quả của vaccine trong việc chống lại các biến thể mới; sự thận trọng của người tiêu dùng và sự quay trở lại của lạm phát, có thể là GDP vẫn sẽ ở dưới mức tiềm năng.
Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)