Thế giới

Đông Nam Á hiện tại và điểm nhìn hướng đến tương lai

ClockChủ Nhật, 29/12/2019 07:24
TTH - Bên cạnh nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại cần được tiếp tục giải quyết triệt để, khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đã đạt được nhiều thành quả đáng kể thông qua một số sự kiện lớn. Kết thúc năm 2019 sôi động, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ bước vào một năm mới – 2020 với nhiều hy vọng mới, nhiệm vụ mới.

Asean Economist: Việt Nam là hệ sinh thái công nghệ tích cực thứ 3 của Đông Nam ÁBáo động tình trạng ô nhiễm trên các sông ở Đông Nam ÁPhá rừng - “đại dịch” thời hiện đại của ASEANViệt Nam chiếm gần 1/3 lưu lượng thương mại điện tử Đông Nam Á

Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Thái Lan. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Các sự kiện nổi bật

Sau quá trình đàm phán kéo dài, vào ngày 4/11, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo thông tin, 15 trong số 16 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand đã hoàn thành quá trình đàm phán hiệp định bằng văn bản về một thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Theo đó, việc ký kết chính thức hiệp định sẽ được diễn ra vào năm 2020. Do một số khúc mắc, Ấn Độ đã không tham gia ký kết hiệp định. Tuy nhiên, các quốc gia tham gia RCEP cam kết sẽ cùng nhau hành động giải quyết những vấn đề còn tồn tại theo cách thỏa đáng và có lợi nhất cho tất cả các bên.

Thông qua tuyên bố chung của ASEAN và các nước đối tác về RCEP. Ảnh: Tuổi trẻ

Từ ngày 25-27/11, Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm ASEAN – Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mekong – Hàn Quốc cũng đã diễn ra thành công tại thành phố cảng Busan, Hàn Quốc. Sự kiện được xem là cột mốc quan trọng, thúc đẩy phát triển quan hệ ngoại giao tốt đẹp của hai bên. Tại đây, lãnh đạo các nước đã nhất trí hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả công nghệ thông tin và xây dựng các thành phố thông minh. Đồng thời, các bên cũng cam kết nỗ lực chung nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài.

Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok (Thái Lan), Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tự hào trao chiếc búa – biểu tượng của quyền lãnh đạo ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tiếp quản trách nhiệm từ Thái Lan, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.

Ảnh minh họa: VTV.vn

Về vấn đề Biển Đông, với hành động sai trái của Trung Quốc trong việc vi phạm vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề trên biển là nhất quán và rõ ràng. Các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển”.

Bên cạnh những vấn đề về kinh tế, chính trị, những vấn đề xã hội trong khu vực cũng rất đáng được quan tâm. Cụ thể, không khí ngày càng ô nhiễm gây nên bởi sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị và ngành công nghiệp khiến các quốc gia Đông Nam Á đối diện với hậu quả nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, các nguồn nước tự nhiên ở Đông Nam Á cũng đang chịu áp lực mạnh mẽ do tác động của gia tăng dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Nam Á và Đông Nam Á chìm trong khói bụi ô nhiễm. Ảnh: VTV.vn

Ngoài ra, Chỉ số Nghèo đói Toàn cầu (GHI) 2019 cũng cho thấy, các quốc gia thành viên ASEAN có tỷ lệ đói nghèo vẫn tương đối cao. Điều này được minh chứng rõ nhất khi ngoại trừ Brunei và Singapore (không tham gia khảo sát), Thái Lan – đất nước có tỷ lệ nghèo đói thấp nhất khu vực vẫn chỉ xếp thứ 46 trên tổng số 113 quốc gia khảo sát. Trong vấn đề này, trẻ em Đông Nam Á là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.

Thành quả và triển vọng

Mặc dù có nhiều vấn đề, song cũng cần nhìn nhận rõ rằng, nếu ký kết thành công, RCEP sẽ là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới khi bao phủ khoảng 3,5 tỷ dân, khối giao dịch RCEP sẽ có tổng GDP đạt hơn 21.000 tỷ USD, chiếm hơn 30% thương mại toàn cầu. Nhờ vào RCEP, các nước đang phát triển tham gia vào hiệp ước có khả năng thiết lập được những FTA cao cấp hơn trong tương lai. Điều này rất có ý nghĩa, nhất là thúc đẩy thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Do cải cách của WTO chưa có phiên bản hoàn thiện cuối cùng, RCEP sẽ đóng vai trò là nền tảng hợp tác đa phương cho các nước thành viên, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, cùng lúc cung cấp cách tiếp cận mới cho các quốc gia để giải quyết vấn đề, thúc đẩy hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tạo động lực cho thương mại toàn cầu phát triển. Để đạt được mục tiêu này, các thành viên RCEP cần duy trì cởi mở, hòa nhập, tham gia đàm phán một cách chủ động và thúc đẩy hội nhập khu vực để đối phó tốt hơn với những thách thức của toàn cầu.

Về mối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chia sẻ, dựa trên mối quan hệ kéo dài 30 năm, cộng thêm những cam kết hợp tác đã nhất trí trong phiên hội nghị, vị lãnh đạo kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau nỗ lực hết sức để hướng tới một tương lai thịnh vượng và hòa bình hơn, theo đúng tôn chỉ “Quan hệ đối tác vì hòa bình, thịnh vượng cho người dân”.

Với tiềm năng tăng trưởng lớn mạnh và tầm quan trọng địa chính trị trong khu vực, kết hợp với nguyên tắc cơ bản của ASEAN là đồng thuận, Tổng thống Moon đánh giá cao những hỗ trợ đẩy mạnh công tác khôi phục hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên của khu vực. Vị lãnh đạo cũng hy vọng các nước ASEAN sẽ tiếp tục tham gia với vai trò là người bạn, người cố vấn đáng tin cậy trong hành trình thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo.

Dựa vào dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khu vực châu Á mới nổi sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 5,7% trong giai đoạn 2020 - 2024. Riêng với Đông Nam Á, do tác động chung của nhiều vấn đề của toàn cầu như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung..., khu vực được ước tính sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 4,9% trong giai đoạn này. Trước sự mở rộng của số hóa, mà cụ thể là công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo, tiến bộ về CNTT... làm thay đổi cách thức tương tác của xã hội, điều này mang lại cả cơ hội lớn cho người dân khu vực, cũng như tạo ra nhiều thách thức cần khu vực phải vượt qua. Để đáp ứng tốt những thay đổi mới, hệ thống giáo dục khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng cần phải thích nghi đổi mới trước tiên, trong đó phải đảm bảo hệ thống giáo dục sẵn sàng cung cấp mọi kỹ năng công nghệ thông tin phù hợp với mọi công dân để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển. Nhờ vào những thay đổi tích cực và chính sách quản lý phù hợp, mọi lĩnh vực và khía cạnh từ kinh tế đến xã hội của Đông Nam Á từ đó sẽ tăng trưởng vững mạnh. Nhìn chung, dù bất kỳ thay đổi nào, trong lúc ASEAN nỗ lực đón nhận và thích nghi với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thịnh vượng của người dân vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Xét trong khu vực, nhìn nhận con đường đã qua và con đường phía trước của Việt Nam, TS. Trần Thái Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) nhận định, Việt Nam đã và đang hoàn toàn gắn kết với “gia đình khu vực Đông Nam Á”, dần trở thành một đất nước tự tin hơn, một Việt Nam cởi mở, hội nhập hơn, khác hoàn toàn với một Việt Nam hướng nội trước khi gia nhập vào khối.

Với những cánh cửa và cơ hội phát triển toàn diện mà ASEAN mở ra cho Việt Nam, đến nay Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi. Trong năm chủ tịch này, Việt Nam chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và đặt ra 5 ưu tiên chính cho năm 2020, trong đó tập trung nhấn mạnh sự thể hiện của khối trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Nhận chiếc búa chủ tịch từ Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định, nhiệm vụ của Việt Nam về một cộng đồng ASEAN gắn kết và có trách nhiệm trong thời gian đương nhiệm bao gồm: thúc đẩy ổn định, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, tăng cường liên kết và hợp tác kinh tế, làm sâu sắc thêm giá trị và bản sắc của các thành viên ASEAN, cũng như nâng cao hiệu quả của bộ máy khu vực và thúc đẩy quan hệ đối tác của khối trong cộng đồng toàn cầu.

HẠNH NHI (tổng hợp)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÔNG NAM Á:
Động lực tài chính đang gia tăng

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự tập trung vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Đông Nam Á - vùng đất sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời và những tiến bộ trong công nghệ năng lượng mặt trời - sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo.

Động lực tài chính đang gia tăng
Return to top