Thế giới

Đông Nam Á thu hút các công ty năng lượng thăm dò khí đốt

ClockThứ Hai, 04/03/2024 06:52
TTH - Các công ty năng lượng đang tăng cường các hoạt động thăm dò khí đốt ở khu vực Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sản lượng khí đốt tự nhiên, đồng thời đáp ứng mức tăng trưởng về nhu cầu trong dài hạn, nhờ những phát hiện gần đây và chính sách đầu tư được cải thiện.

Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35% trong năm 2023Du lịch nước ngoài phục hồi, khách Trung Quốc đổ xô đến Đông Nam ÁTương lai của các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á

 Tăng trưởng về nhu cầu khí đốt dự kiến sẽ được thúc đẩy trong khu vực. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, Malaysia và Indonesia gần đây đã chứng kiến những phát hiện thành công ở thượng nguồn, bao gồm một phát hiện lớn của Mubadala Energy tại Lô South Andaman, sau nhiều năm thiếu sự đầu tư vào lĩnh vực này kể từ vụ sụp đổ giá dầu hồi năm 2015.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và dân số sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu khí đốt liên tục trong khu vực, dự kiến đạt đỉnh trước năm 2040, “có một cơ hội quan trọng để đầu tư vào khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)”, ông Stefano Raciti, Giám đốc điều hành Mubadala Energy cho biết.

“Ở Đông Nam Á, chúng tôi tin điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục đầu tư vào thăm dò và mở rộng sản xuất khí đốt”, ông Stefano Raciti nói thêm.

Được biết, Mubadala Energy đang nỗ lực mở rộng sản lượng tại mỏ khí Pegaga ở Malaysia, nơi 2 công ty năng lượng lớn sẽ lần đầu tiên tham gia thông qua các thương vụ mua lại gần đây.

Vào tháng trước, Tập đoàn dầu khí đa quốc gia TotalEnergies của Pháp công bố đã mua 50% cổ phần của SapuraOMV có trụ sở tại Malaysia; và Tập đoàn Chevron đang mua lại Hess, công ty có tài sản ở Malaysia. Ngoài ra, Pertamina của Indonesia và Petronas của Malaysia đã mua lại 35% cổ phần của Shell trong khối khí đốt tự nhiên Masela do Inpex vận hành.

Trong tháng 1 năm nay, công ty năng lượng nhà nước Petronas của Malaysia đã trao hợp đồng chia sẻ sản phẩm cho 6 lô thăm dò khí đốt theo vòng đấu thầu năm 2023, và đưa ra 1 vòng đấu thầu mới trong năm 2024 nhằm thăm dò 10 lô và cụm thăm dò khí đốt cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng có kế hoạch cung cấp thêm các lô dầu khí ở lưu vực Bắc Sumatra trong năm nay, sau phát hiện lớn của Mubadala Energy tại Lô South Andaman, và đang xem xét lại các cơ chế tài chính nhằm thu hút đầu tư vào nguồn tài nguyên này.

“Trong 2 - 3 năm qua, Indonesia và Malaysia đã chứng kiến các phát hiện quy mô lớn, điều này càng làm tăng thêm động lực chung; thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thăm dò”, nhà phân tích Prateek Pandey của Công ty Rystad Energy cho biết.

Cũng theo ông Prateek Pandey, Malaysia có thể sẽ khoan khoảng 30 giếng thăm dò trong năm nay, và 35 giếng vào năm 2025, tăng so với 8 giếng vào năm 2021; trong khi đó, Indonesia sẽ có khoảng 40 giếng trong năm nay, so với 20 giếng trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Trong khi số lượng giếng thăm dò ở Indonesia sẽ giảm nhẹ trong nửa sau của thập kỷ này, thì số lượng giếng thăm dò của Malaysia sẽ ổn định cho đến năm 2028 nhờ các vòng đấu thầu thành công trong 3 - 4 năm qua.

Tính linh hoạt ngày càng tăng trong các hợp đồng chia sẻ sản phẩm và các điều khoản tài chính tốt hơn cũng đã thu hút nhiều đầu tư hơn vào khu vực. Vào tháng 9 năm ngoái, Indonesia cho biết đã thực hiện những cải tiến trong các điều khoản về dầu khí, cho phép các nhà thầu có cổ phần trên 50% trong một số lô mới.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times & Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 2: Thách thức…

Trong khi các phương tiện khai thác thủy sản trái phép của ngư tặc có công suất lớn, thường đi theo nhóm có tổ chức, sử dụng hung khí và rất manh động thì phương tiện tuần tra, truy bắt của các chi hội nghề cá còn thiếu thốn, công suất nhỏ đặt ra nhiều thách thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

“Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 2 Thách thức…
Vụ tấn công mạng tại Indonesia báo hiệu mối đe dọa gia tăng ở Đông Nam Á

Tạp chí Nikkei Asia ngày 15/7 dẫn lời các chuyên gia cho biết, một vụ tấn công bằng ransomware (mã độc tống tiền) xảy ra gần đây ở Indonesia, trong đó tin tặc mã hóa dữ liệu tại hơn 200 cơ quan chính phủ, đã nêu bật nhu cầu về an ninh mạng mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á, trong bối cảnh sự bùng nổ kỹ thuật số khiến khu vực này phải đối mặt với các mối đe dọa trực tuyến tinh vi và thường xuyên hơn.

Vụ tấn công mạng tại Indonesia báo hiệu mối đe dọa gia tăng ở Đông Nam Á
Đông Nam Á:
“Cái nôi” của đổi mới sáng tạo công nghệ nông nghiệp do AI thúc đẩy

Nông nghiệp là trụ cột kinh tế của khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022, và gần 1/3 tổng số việc làm trong khu vực. Tầm quan trọng của lĩnh vực này đặc biệt quan trọng ở các quốc gia tập trung vào nông nghiệp như Myanmar và Campuchia, nơi nông nghiệp đóng góp hơn 20% GDP và khoảng 35% tổng số việc làm. Ở Lào, con số thậm chí còn rõ ràng hơn, với việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70% tổng số việc làm.

“Cái nôi” của đổi mới sáng tạo công nghệ nông nghiệp do AI thúc đẩy
Return to top