|
Các bệnh viện ở Indonesia gồng mình ứng phó với lượng lớn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: AP/NLD |
Sốt xuất huyết lan rộng và gia tăng
Trong những năm gần đây, sốt xuất huyết đã lan đến những nơi chưa từng có dịch bệnh này, trong đó có Pháp, Italy...
Trong khi đó, Đông Nam Á từ lâu đã là “nạn nhân” của dịch bệnh này.
Malaysia đã báo cáo hơn 123.000 ca sốt xuất huyết và 100 ca tử vong trong năm 2023, tăng 86% so với khoảng 66.000 ca nhiễm trong năm 2022.
Năm ngoái, Singapore ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm và 6 ca tử vong. Nhưng chỉ trong chưa tới 3 tháng đầu năm nay (tính đến 23/3), nước này đã có hơn 4.800 ca mắc sốt xuất huyết, chiếm gần 50% tổng số ca nhiễm trong cả năm 2023.
Ở Indonesia, nước này đã ghi nhận hơn 21.000 ca nhiễm và ít nhất 191 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết tính đến đầu tháng 3 vừa qua. Tại tỉnh Tây Java đông dân nhất nước, chính quyền đã được đặt trong tình trạng báo động, với cảnh báo về tình trạng khẩn cấp nếu số ca nhiễm không giảm.
Các chuyên gia cho biết, tình trạng sốt xuất huyết gia tăng ở quần đảo này là do nhiều yếu tố, trong đó có hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng hơn - rút ngắn thời gian ủ bệnh của virus sốt xuất huyết trong muỗi.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad cho rằng sự gia tăng các ca sốt xuất huyết là do biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng cũng như việc quản lý chất thải và trữ nước không đúng cách, tạo cơ hội cho muỗi Aedes sinh sản.
“Muỗi có thể sinh sản chỉ trong một thìa cà phê nước, điều đó khiến bệnh sốt xuất huyết trở nên “rất khó kiểm soát”, Tiến sĩ Borame Sue Lee Dickens cho hay.
Ngoài ra, Giáo sư Ooi Eng Eong thuộc chương trình Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS cũng chỉ ra mối liên hệ giữa các biến số kinh tế xã hội và tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết. Ví dụ, có những người có đủ khả năng dành nhiều thời gian hơn trong phòng máy lạnh – môi trường mà muỗi “không thích lắm”, trong khi những người khác lại sống trong điều kiện dễ bị muỗi đốt và truyền virus hơn.
Nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn sốt xuất huyết
Với bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở Singapore trong hơn 50 năm qua, các biện pháp kiểm soát vectơ truyền bệnh đã được nước này áp dụng từ lâu để giảm số ca nhiễm.
Trong dự án Wolbachia - một trong những nỗ lực quan trọng của Singapore - được khởi động vào năm 2016, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) đã thả muỗi đực Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia ở nhiều vùng trên khắp đất nước. Khi những con đực này giao phối với muỗi Aedes aegypti cái ở thành thị không có Wolbachia, trứng của chúng sẽ không nở. Được biết, quần thể muỗi Aedes aegypti tại các địa phương triển khai Dự án Wolbachia đã giảm đến 90%, và số ca nhiễm sốt huyết ở những nơi này cũng giảm đáng kể.
Tại Indonesia, 6 thành phố cũng sẽ triển khai thả muỗi Wolbachia, hãng thông tấn nhà nước Antara đưa tin.
Tiến sĩ Riris của Indonesia cho biết, bên cạnh các phương pháp khoa học như trên, các chiến lược phòng ngừa truyền thống vẫn là yếu tố then chốt, bao gồm đổ các thùng chứa nước, đóng cửa các khu vực trữ nước, nuôi cá để tiêu diệt ấu trùng muỗi, dọn dẹp cộng đồng và sử dụng thuốc diệt muỗi.
Trong khi đó, đối với Malaysia, ngoài việc phòng ngừa, giám sát và sự tham gia của cộng đồng, chính phủ còn hợp tác với một tổ chức nghiên cứu và phát triển thuốc phi lợi nhuận để tiến hành thử nghiệm lâm sàng một số loại thuốc được tái sử dụng cho bệnh sốt xuất huyết. Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly cho biết, chương trình này nhằm mục đích “điều trị hiệu quả và dễ tiếp cận về mặt chi phí trong vòng 5 năm tới”.
Song song đó, Singapore còn đầu tư vào nhiều chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa, nước này cũng đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa virus sốt xuất huyết từ năm 2016.
Trước đó, vào năm 2012, Singapore cũng mở rộng việc giám sát virus sốt xuất huyết thành một hệ thống xuyên biên giới, cùng với các cơ quan y tế Malaysia và các chuyên gia Indonesia thành lập mạng lưới “United In Tackling Epidemia Dengue” để chia sẻ thông tin và kiến thức. Với vị thế của Singapore là một trung tâm thương mại và du lịch, việc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới rất hữu ích trong việc xác định các dòng virus phổ biến trong khu vực và mối liên hệ của chúng với các đợt bùng phát ở các quốc gia.
Ngoài ra, ở nhiều nơi trên thế giới, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã dần được khai thác như một công cụ để chống lại sốt xuất huyết. Các nhóm đổi mới và khí hậu của UNICEF đang hợp tác với các đối tác để tạo ra các mô hình AI nhằm dự đoán và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.