Thế giới

Dưới áp lực tái mở cửa, nhiều hạn chế du lịch nghiêm ngặt nhất thế giới dần được nới lỏng

ClockChủ Nhật, 17/10/2021 18:00
TTH.VN - Một số hạn chế biên giới dài nhất và khó khăn nhất do COVID-19 gây ra cuối cùng cũng đã được nới lỏng, trong bối cảnh các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang thực hiện các bước đi vững chắc hướng tới việc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế trong những ngày gần đây.

Thái Lan kỳ vọng kế hoạch mở cửa trở lại giúp tăng trưởng kinh tếIndonesia rút ngắn thời gian cách ly, Singapore cho trẻ chưa tiêm chủng nhập cảnhPhuket mở cửa cho mọi du khách tiêm chủng đầy đủĐông Nam Á thận trọng mở cửa lại một số điểm du lịch nổi tiếngSau 18 tháng đóng cửa, Australia sẽ mở lại biên giới từ tháng 11

Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Từ Singapore, Sydney đến Bali, Bangkok, giới chức các nước đã công bố một loạt các kế hoạch chào đón những du khách đã tiêm phòng bằng cách giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các yêu cầu cách ly đối với hầu hết các nước.

Đối với những nơi này, việc nới lỏng là một sự thay đổi đáng kể theo hướng mở cửa ngay khi kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến gần.

Ông Dominic Perrottet, Thủ hiến bang New South Wales, Australia hôm 15/10 tuyên bố Sydney, New South Wales mở cửa hoạt động đón chào những du khách đã tiêm chủng ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 từ khắp thế giới, khi bang này quyết định sẽ miễn cách ly 14 ngày đối với du khách từ tháng 11 tới.

Việc cách ly kéo dài đối với khách du lịch là một dấu hiệu đặc trưng của phần lớn các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để ngăn chặn đại dịch. Thậm chí ở một số nơi, các đợt cách ly có thể kéo dài tới 21 ngày.

Cho đến khi biến thể Delta xuất hiện, chiến lược này đã giúp những nơi như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Australia, New Zealand và Singapore loại bỏ virus trong một số thời điểm. Đối với các quốc gia như Thái Lan và Malaysia, những đợt cách ly như vậy đã giúp ngăn chặn các ca bệnh lan rộng trong cộng đồng suốt một thời gian. Tuy nhiên, những quy tắc nghiêm ngặt đó đã khiến khu vực này tụt hậu khi phần còn lại của thế giới bắt đầu mở cửa trở lại vài tháng trước.

Trước thực tế đó, từ đầu tháng này, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và mới đây nhất là New South Wales đã thông báo xoá bỏ những hạn chế đối với những người có thể nhập cảnh hoặc nới lỏng các quy tắc nhập cảnh.

Tuần trước, Singapore tuyên bố sẽ miễn kiểm dịch cho những du khách đã được tiêm phòng từ Mỹ và một số nước ở châu Âu và châu Á, đồng thời báo hiệu sẽ mở rộng thêm nhiều địa điểm khác.

Thái Lan hồi đầu tuần cũng cho biết từ tháng 11 tới, nước này sẽ bãi bỏ việc cách ly đối với những du khách đã tiêm vaccine đến từ 5 quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh thấp, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Anh. Danh sách này sẽ dần dần được bổ sung thêm nhiều nước khác khi quốc gia này tìm cách phục hồi nền kinh tế dựa vào du lịch, sau khi mô hình du lịch thử nghiệm “hộp cát Phuket” được coi là thành công.

Indonesia cũng đang mở cửa trở lại, cho phép du khách được tiêm chủng từ nhiều quốc gia được nhập cảnh và áp dụng thời gian cách ly ngắn hơn. Các điểm du lịch nổi tiếng như Bali, Batam và Bintan cũng đã mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài trong tuần này.

Sân bay ở Bali trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại hôm 14/10. Ảnh: Reuters/Kinhtedothi

Ở Philippines, những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ những nơi có nguy cơ thấp sẽ được miễn cách ly tại các cơ sở được chỉ định. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Phục hồi Quốc gia Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết nước này đang xem xét mở lại biên giới cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ một số quốc gia nhất định mà không bắt buộc phải cách ly.

Việt Nam cũng có kế hoạch mở cửa trở lại đảo Phú Quốc cho du khách nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Âu, Mỹ, Australia, Đông Á và Trung Đông, trên cơ sở thử nghiệm từ tháng 11. Chính phủ cho biết vào tuần trước rằng sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới cho du khách quốc tế từ tháng 6/2022.

Quá trình mở cửa lại đang tăng nhanh khi nhiều quốc gia từng theo đuổi chiến lược “zero COVID-19” quyết định từ bỏ kế hoạch xoá sổ virus. Các nhà chức trách ở các nước như New Zealand và Singapore hiện đang tìm cách chấp nhận COVID-19 như một loài đặc hữu.

Theo phân tích, động lục thúc đẩy các quyết định mở cửa trở lại chính là tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng. Song song đó, ngày càng có nhiều người cho rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn đã khiến các biện pháp ngăn chặn trở nên kém hiệu quả hơn và sự cấp thiết phải hồi sinh các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch đã suy yếu trong gần 2 năm qua.

Tuy nhiên, ở châu Á, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ không thể đến trong một sớm một chiều. Nhiều chính phủ trong khu vực đang phải rất thận trọng. Các nhà chức trách được cho là phải “đi trên dây” khi đứng giữa áp lực ngày càng tăng về quyền tự do đi lại và giải quyết mối lo ngại của nhiều cư dân về sự nguy hiểm của COVID-19 như đã thấy ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo một số chuyên gia nhận định, luôn luôn có nguy cơ một biến thể mới sẽ xuất hiện có thể làm “trật bánh” các kế hoạch tái mở cửa non trẻ này. Nhưng rõ ràng, ngày càng nhiều người nhận thức rằng quay lại các chiến lược cũ có thể không còn là một lựa chọn phù hợp nữa.

Tiến sĩ Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng châu Á-Thái Bình Dương cho rằng ngay cả với những quy định khắt khe nhất về mang khẩu trang và kiểm dịch nghiêm ngặt, virus vẫn sẽ tiếp tục lây lan. Do đó, “điều quan trọng là phải tiêm chủng các loại vaccine hiệu quả và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”, tiến sĩ Tambyah nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh
Thành phố ẩm thực

Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân gần 720 năm trước, Huế có nguồn tài nguyên tinh hoa ẩm thực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cố đô. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới mà nhắc đến Huế, cùng với những sắc diện tươi mới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố ẩm thực của tinh hoa hội tụ.

Thành phố ẩm thực
Return to top