Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động kế hoạch thành lập một "liên minh y tế" chung bằng cách ra "Tuyên bố Grenoble."
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 10/2 đã ra thông báo trên sau cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng y tế EU tại thành phố Grenoble (Pháp).
Pháp - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm nay, đang tìm cách tăng cường hơn nữa sự hợp tác y tế giữa các nước thành viên vốn đã được hình thành trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, nhất là thông qua hoạt động mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu với báo giới, ông Veran nêu rõ: "Tôi tin rằng EU có thể trở thành khu vực đứng đầu thế giới về y tế công cộng nếu khối này vượt qua được những cân nhắc 'mâu thuẫn' giữa thị trường và hệ thống y tế công cộng."
Ông cho biết việc mua chung các sản phẩm y tế và cùng ứng phó với các bệnh hiếm gặp nếu được thực hiện theo một cấp độ chung của châu Âu sẽ mang lại nhiều lợi ích do lợi thế kinh tế về quy mô.
Do vậy, ông Veran cho rằng để thực hiện được điều này, Tuyên bố Grenoble sẽ đặt nền tảng cho việc thành lập một liên minh y tế ở châu Âu, đồng thời bày tỏ hy vọng tuyên bố này sẽ được ký trong vài ngày tới.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách về y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cho biết 70% dân số châu Âu đã tiêm chủng và hơn 45% đã tiêm mũi vaccine tăng cường, song bà cho rằng chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 vẫn phải được tiếp tục.
Bà nhấn mạnh, EU cũng phải chuẩn bị ứng phó với giai đoạn tiếp theo của dịch COVID-19 với khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Cả ông Veran và bà Kyriakides nhấn mạnh rằng "Liên minh y tế châu Âu" không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân châu Âu mà còn bảo vệ cả kinh tế và xã hội của khối này.
Theo kế hoạch, các cuộc thảo luận chuyên sâu về vấn đề này sẽ diễn ra với sự tham gia của một hội đồng khoa học trong giai đoạn Pháp làm Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2022.
Theo Vietnam+