Thế giới

EU thông qua đạo luật tăng cường sản xuất công nghệ xanh trong khối

ClockThứ Ba, 28/05/2024 08:13
TTH.VN - Các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/5 đã chính thức thông qua một đạo luật mới, được thiết kế nhằm đảm bảo khối khu vực châu Âu sản xuất 40% các tấm pin năng lượng mặt trời, tua-bin năng lượng gió, máy bơm nhiệt và các thiết bị công nghệ sạch khác.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU tìm giải pháp cho nhiều thách thức

 Những tấm pin năng lượng mặt trời được giới thiệu tại một hội chợ năng lượng ở thành phố Munich, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 (NZIA) sẽ có hiệu lực vào tháng tới, hoặc đầu tháng 7 năm nay, sau khi được các Chủ tịch của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ký, và được công bố trên tạp chí chính thức của EU.

Về tầm quan trọng, đạo luật này là một trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm đảm bảo khối khu vực này không chỉ đi đầu toàn cầu trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, mà còn trong việc sản xuất công nghệ xanh mang tính cần thiết.

Trong một thông cáo báo chí cùng ngày 27/5, Ủy ban châu Âu nhận định: “Ủy ban châu Âu hoan nghênh việc thông qua lần cuối Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 (NZIA), đạo luật này đưa EU đi đúng hướng nhằm tăng cường năng lực sản xuất trong khối đối với các công nghệ sạch quan trọng. Bằng cách tạo ra một môi trường kinh doanh thống nhất và có thể dự báo được về lĩnh vực sản xuất công nghệ sạch, NZIA sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi nhanh của nền tảng công nghiệp của EU, đồng thời hỗ trợ tạo ra việc làm có chất lượng và một lực lượng lao động lành nghề”.

Được biết, EU đã đặt mục tiêu đến năm 2030 là sản xuất 40% các sản phẩm mà khối này cần để giảm phát thải khí nhà kính. Những sản phẩm này sẽ bao gồm năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, máy bơm nhiệt, máy điện phân, cũng như các công nghệ khử carbon khác, bao gồm cả công nghệ thu giữ cacbon.

Bên cạnh đó, khối khu vực cũng đặt mục tiêu đạt 15% sản lượng toàn cầu về các công nghệ này vào năm 2040. Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 (NZIA) cũng đề xuất hợp lý hóa việc cấp giấy phép cho các dự án thúc đẩy sản xuất của EU, đảm bảo đa số giấy phép cho các dự án được cấp trong vòng 6 - 9 tháng.

Các cơ quan mua sắm sản phẩm công nghệ sạch sẽ cần phải đưa ra sự lựa chọn không chỉ dựa trên giá cả, mà còn phải dựa vào 30% trọng số đối với tính bền vững và khả năng phục hồi nhanh của sản phẩm.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này sẽ đặc biệt khó khăn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, trong bối cảnh các nhà sản xuất của EU cung cấp ít hơn 3% số lượng tấm pin năng lượng mặt trời triển khai ở EU. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng gió của EU mạnh hơn rất nhiều.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho rằng: “Với Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 (NZIA), EU hiện có một môi trường pháp lý cho phép chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất công nghệ sạch một cách nhanh chóng. Đạo luật tạo điều kiện tốt nhất cho những lĩnh vực quan trọng này, để chúng tôi đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhu cầu đang tăng lên ở khu vực châu Âu và trên toàn cầu, và chúng tôi hiện được trang bị để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu này với nguồn cung của châu Âu”.

Điều này sẽ hỗ trợ làm cho hệ thống năng lượng của EU sạch hơn và an toàn hơn, với các nguồn năng lượng sạch được sản xuất trong khối và giá cả phải chăng, thay thế việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, bà Ursula von der Leyen nói thêm.

Đáng chú ý, Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 (NZIA) bao gồm các biện pháp đối với đầu tư vào giáo dục, đào tạo và đổi mới sáng tạo, với việc thành lập các học viện công nghiệp phát thải ròng bằng 0, hướng tới đào tạo 100.000 lao động trong vòng 3 năm, và hỗ trợ sự công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn.

Ngoài ra, nền tảng châu Âu phát thải ròng bằng 0 sẽ đóng vai trò là đầu mối điều phối trung tâm, nơi Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU có thể thảo luận và trao đổi thông tin, cũng như thu thập ý kiến đóng góp từ các bên liên quan.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Reuters & European Commission)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng cà-phê, gỗ và cao su của Việt Nam với kim ngạch hằng năm đạt gần 3 tỷ USD. Đây cũng là các mặt hàng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quy định chống phá rừng (EUDR) sắp có hiệu lực thi hành. Quy định này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt.

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU
ASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo một bài phân tích ngày 7/6 của trang Business Times, sáu nền kinh tế lớn của ASEAN đang được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chiến lược “Trung Quốc + 1”, và khu vực này sẵn sàng đón nhận nhiều dòng vốn FDI hơn nữa khi hội nhập vào mạng lưới toàn cầu.

ASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
EU tăng cường nỗ lực chống lại thông tin sai lệch trực tuyến

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đang diễn ra trên khắp Liên minh châu Âu (EU), các quan chức cấp cao của khối cho biết việc thao túng thông tin và phát tán nội dung lừa đảo trực tuyến có thể gây ra các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và từ đó, kêu gọi bảo vệ quá trình bầu cử.

EU tăng cường nỗ lực chống lại thông tin sai lệch trực tuyến
Return to top