Thế giới

Eurozone sẵn sàng bổ sung các biện pháp tài chính để bảo vệ kinh tế

ClockThứ Năm, 05/03/2020 14:46
Các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài chính ngoại lệ để bảo vệ nền kinh tế khu vực trước những tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Dấu hiệu kém "sáng" của kinh tế châu ÂuCăng thẳng thương mại phủ bóng lên triển vọng kinh tế EurozoneECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm 2018 và 2019EU có thể áp đặt trừng phạt Italy nếu không đạt thỏa thuận ngân sáchItaly không muốn rời EU hay Eurozone

Chủ tịch Eurogroup Mario Centeno. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Mario Centeno đưa ra tuyên bố trên ngày 4/3 sau cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng kinh tế và tài chính các nước thành viên.

Ông Centeno cho biết chính phủ các nước Eurozone sẽ phối hợp công tác đối phó với dịch bệnh và sẵn sàng áp dụng mọi công cụ chính sách phù hợp để đảm bảo kinh tế tăng trưởng mạnh và bền vững, đặc biệt lưu ý tới các biện pháp tài chính trong trường hợp cần thiết.

Ông Centeno nhấn mạnh các nguyên tắc tài chính của Eurozone cho phép linh hoạt áp dụng với những vấn đề nằm ngoài kiểm soát của chính phủ, miễn là khoản chi bổ sung nhằm phục vụ những tình huống bất thường và mang tính tạm thời.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Italy ban bố sắc lệnh yêu cầu tất cả các sự kiện thể thao được tổ chức nhưng không mở cửa cho khán giả đến xem trong thời gian từ nay đến ngày 3/4 tới.

Hiện, Italy ghi nhận 3.089 ca nhiễm bệnh và 107 ca tử vong.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia Séc đã họp khẩn để đưa ra biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, sau cuộc họp, Thủ tướng Andrej Babis đã công bố những biện pháp khẩn ứng phó với dịch bệnh, trong đó ưu tiên đảm bảo cung ứng mặt nạ chống độc và dung dịch khử trùng để bảo vệ những người trong tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh.

Chính phủ Séc cũng tăng cường kiểm soát khách du lịch nước ngoài, khách sạn và các cơ sơ lưu trú có du khách nước ngoài. Thủ tướng Séc kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang nhưng không được phép chủ quan.

Ngoài ra, Séc cũng phối hợp chặt chẽ với các nước còn lại trong Nhóm Visegrad gồm 4 nước (Séc, Ba Lan, Slovakia, Hungary) phòng chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, tại hội nghị cấp thủ tướng các nước Visegrad ngày 4/3 tại Praha, các nước đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin liên quan tình hình dịch bệnh và cung cấp hỗ trợ y tế cho một số nước thành viên trong trường hợp cần thiết.

Tính đến ngày 4/3, trong nhóm Visegrad, Séc có 8 trường hợp nhiễm COVID-19 và Ba Lan có 1 trường hợp, Hungary ghi nhận 2 ca nhiễm trong khi Slovakia chưa có ca nhiễm bệnh nào.

Cùng ngày, Bộ Y tế Hy Lạp thông báo đóng cửa tất cả các trường học và hoãn các sự kiện tập trung đông người ít nhất đến ngày 7/3 tới tại 3 vùng Achaia, Ilia và Zakynthos để phòng dịch.

Thông báo được đưa ra sau khi Hy Lạp xác nhận ca thứ 9 nhiễm COVID-19.

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa thông báo chính phủ sẽ hỗ trợ những công ty bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Ông nêu rõ chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và nếu cần sẽ hỗ trợ ban đầu 100 triệu euro cho các công ty bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Thủ tướng Costa đánh giá tác động kinh tế đối với các công ty trong nước hiện ở mức vừa phải hoặc ít.

Đến nay, Bồ Đào Nha ghi nhận 5 ca nhiễm COVID-19.

Liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19, kết quả một cuộc thăm dò dư luận quốc tế vừa được công bố cho thấy 70% số người được hỏi trên thế giới ủng hộ biện pháp phong tỏa các thị trấn hoặc thành phố xuất hiện dịch COVID-19 để ngăn đà lây lan của căn bệnh chết người này.

Cuộc thăm dò được công ty Ipsos tiến hành đối với 10.000 người trưởng thành tại 10 nước, trong đó có Australia, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản.

Riêng tại Italy, điểm dịch bệnh nghiêm trọng tại châu Âu, kết quả thăm dò cho thấy 60% số người được hỏi ủng hộ chính sách phòng ngừa dịch bệnh trên.

Chuyên gia về giảm thiểu rủi ro và thảm họa tại Đại học London của Anh, ông David Alexander cho biết số liệu trên phản ánh thực tế là người dân muốn chính phủ triển khai những chính sách rõ rệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, ông cho biết chưa rõ liệu biện pháp phong tỏa như vậy có hiệu quả hay không, song khó có thể thực hiện tại những thành phố lớn như London.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/8 đã lên tiếng cảnh báo khi các ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Thế vận hội Paris đang diễn ra, và gần như khó có thể suy giảm trong thời gian tới. Cơ quan này cũng lo ngại rằng các biến thể nghiêm trọng hơn của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ sớm xuất hiện và lây lan.

WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19
Giúp 1.000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

Ngày 20/7, Hội Chữ Thập đỏ (HCTĐ) tỉnh, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại Thừa Thiên Huế". Tham dự có bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Giúp 1 000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững
Return to top