FAO cho biết trong suốt năm 2023, nhu cầu nhân đạo vẫn “ở mức cao không thể chấp nhận được”, khi cứ 33 người thì có khoảng 1 người (258 triệu người) ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với nạn đói trầm trọng do xung đột vũ trang, các cú sốc kinh tế, khí hậu cực đoan, nghèo đói và bất bình đẳng. Đồng thời, ngân sách nhân đạo cũng bắt đầu thắt chặt, khiến hàng triệu người không được hỗ trợ.
|
Theo FAO, khủng hoảng lương thực sẽ tiếp tục chi phối triển vọng toàn cầu năm 2024. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Hỗ trợ nông nghiệp khẩn cấp phần lớn bị bỏ qua
Trung bình, 2/3 số người gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng đều dựa vào nông nghiệp để sinh tồn. Trong bối cảnh nhân đạo, các biện pháp can thiệp nông nghiệp khẩn cấp nhằm giúp người dân tự sản xuất lương thực - thường kết hợp với phân phối lương thực trực tiếp và chuyển tiền mặt - có thể là cách hiệu quả nhất để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo quan trọng, đồng thời tối đa hóa hiệu quả của từng đồng USD được cung cấp.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 4% tổng nguồn tài trợ nhân đạo dành cho lĩnh vực thực phẩm được phân bổ cho hỗ trợ nông nghiệp khẩn cấp.
Theo FAO, khủng hoảng lương thực sẽ tiếp tục chi phối triển vọng toàn cầu năm 2024. Nguồn tài trợ dự kiến sẽ tiếp tục bị siết chặt, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan do khủng hoảng khí hậu và El Nino gây ra, kết hợp với tác động từ các cuộc xung đột ngày càng gia tăng và bất ổn kinh tế, sẽ đẩy thêm nhiều người vào cảnh đói nghèo, khiến nhu cầu cần viện trợ gia tăng.
Hiệu quả từ các biện pháp can thiệp nông nghiệp khẩn cấp
Bất chấp việc cắt giảm kinh phí, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, FAO đã hỗ trợ hơn 30 triệu người gặp khủng hoảng lương thực trong năm 2023.
Năm 2022, với chi phí chỉ 598 triệu USD, riêng các chương trình hỗ trợ sản xuất rau và cây trồng khẩn cấp của FAO đã giúp 23 triệu người ở 29 quốc gia tự trồng lương thực và đáp ứng nhu cầu ngũ cốc của gia đình họ trong trung bình 11 tháng. Nhìn chung, cây trồng và rau quả được sản xuất đạt giá trị 2,75 tỷ USD, cho thấy lợi tức đầu tư trung bình là 6 USD cho mỗi 1 USD được cung cấp cho các hoạt động của FAO.
Việc tài trợ cho các biện pháp can thiệp nông nghiệp khẩn cấp trên quy mô lớn cũng đang mang lại những hiệu quả có thể đo lường được. Ví dụ, ở Afghanistan, các chương trình hỗ trợ lúa mì do FAO cung cấp không chỉ đáp ứng nhu cầu lúa mì hàng năm của một gia đình mà hạt giống kèm theo còn cho năng suất vượt xa các lựa chọn thay thế, với mức tăng ròng hơn 0,5 tấn cho mỗi hộ gia đình. Với mức hỗ trợ nông nghiệp này, kết hợp với hỗ trợ lương thực và chuyển tiền mặt, số người dân nông thôn Afghanistan phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao đã bắt đầu giảm, từ 47% dân số trong giai đoạn tháng 3 - tháng 5/2022 xuống còn 40% vào tháng 4/2023.
Theo Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol, trong bối cảnh nguồn tài trợ toàn cầu bị cắt giảm, các biện pháp can thiệp nông nghiệp khẩn cấp này vừa giúp đảm bảo cuộc sống cho người dân vừa tiết kiệm chi phí. Do vậy, FAO cần huy động gấp các nguồn vốn để chuẩn bị các đầu vào quan trọng trước các mùa trồng trọt sắp tới.