Hội nghị của Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 được tổ chức tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh minh hoạ: Reuters/VOV
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng và căng thẳng thương mại hạ nhiệt sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2020 và 2021.
Hội nghị của các Bộ trưởng Tài chính và người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ làm giảm 0,1 điểm phần trăm đối với tăng trưởng toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát rủi ro toàn cầu, bao gồm cả đợt bùng phát gần đây của dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi sẵn sàng hành động hơn nữa để giải quyết những rủi ro này. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2020 và 2021. Sự phục hồi được hỗ trợ bởi sự tiếp tục của các điều kiện tài chính phù hợp và một số dấu hiệu của những căng thẳng thương mại hạ nhiệt", tuyên bố từ các nhà lãnh đạo tài chính G20 cho biết.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, các ngân hàng trung ương sẽ xem xét những lựa chọn để đối phó với dịch bệnh nếu cần. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho hay, ông sẵn sàng nới lỏng chính sách nếu cần thiết.
Trước đó vào ngày 23/2, truyền hình nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Bắc Kinh sẽ tăng cường điều chỉnh chính sách để giúp giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế từ đợt bùng phát của dịch bệnh.
"Sự bùng phát của bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn đến nền kinh tế và xã hội", ông Tập Cận Bình nhận định; song, Chủ tịch Trung Quốc cũng nói thêm rằng, các tác động sẽ là ngắn hạn và có thể kiểm soát được.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị nói trên, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thảo luận về sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc và các quốc gia khác, tất cả các quốc gia thành viên G20 đã cùng nhất trí về việc sẵn sàng can thiệp vào các chính sách cần thiết".
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc, hiện đang lan rộng ra gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo về căn bệnh truyền nhiễm lên mức cao nhất trong ngày 23/2, trong khi Liên minh châu Âu (EU) nhận định "không cần phải hoảng sợ" trước sự bùng phát của dịch bệnh này ở Italy.
Trong một động thái liên quan, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva ngày 22/2 lưu ý: "Trong kịch bản cơ sở hiện tại của chúng tôi, các chính sách được công bố đã được thực hiện và nền kinh tế của Trung Quốc sẽ trở lại bình thường trong quý thứ hai. Do đó, tác động đối với nền kinh tế thế giới sẽ tương đối nhỏ và ngắn hạn".
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xem xét những kịch bản nghiêm trọng hơn, khi sự lây lan của virus tiếp tục kéo dài hơn và với quy mô toàn cầu hơn, hậu quả sẽ kéo dài hơn", bà Kristalina Georgieva nói thêm.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei Asian Review)