GDP kinh tế toàn cầu giảm 0,8% do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Vietnamplus
Người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết, căng thẳng thương mại đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, cụ thể là khiến nền kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều thách thức, bao gồm sự suy yếu cực mạnh trong hoạt động sản xuất. Đây là sự xuống dốc chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra trong giai đoạn 2007 – 2008.
Trong phát biểu của mình, lãnh đạo Gerry Rice tuyên bố IMF sẽ phát hành bản sửa đổi về triển vọng kinh tế vào tháng tới. Nhìn chung, hoạt động kinh tế thế giới vẫn chịu tác động quá lớn, do căng thẳng thương mại và căng thẳng địa chính trị gây ra sự không chắc chắn, làm xói mòn niềm tin kinh doanh, đầu tư và thương mại.
Trước đó, IMF đã dự báo rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhiều tranh chấp thương mại khác đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng toàn cầu trong tương lai.
Trong một ý kiến có liên quan, Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế tại Bankrate – một công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định: “Căng thẳng thương mại đã và đang có xu hướng nghiêm trọng lên. Không có thỏa thuận nào có khả năng được thiết lập”. Hiện, mối quan tâm đang ngày càng tăng trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Theo Mark Hamrick, sau 11 năm, các đánh giá của IMF làm tăng mối lo ngại xuất hiện suy thoái một lần nữa. Nhiều khả năng vào thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, nguy cơ suy thoái sẽ chạm ngưỡng 41%.
Khi được hỏi liệu có thể lường trước nguy cơ suy thoái toàn cầu hay không, Mark Hamrick cho rằng, điều này không nằm trong quỹ đạo của tình hình lúc này. Tuy nhiên, ông lưu ý, IMF đã sử dụng những từ như “rất bấp bênh”, “rất mong manh” và “nhạy cảm” để nói về triển vọng kinh tế.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ Devdiscourse)