|
Công tác thu hoạch trên một cánh đồng lúa mì ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Cụ thể, Sáng kiến Hand-in-Hand (Tay trong tay) hiện đang ghi nhận sự tham gia của 72 quốc gia. Đây là một chương trình do Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ông Qu Dongyu khởi xướng.
Theo đó, khoảng 29 quốc gia và 5 sáng kiến khu vực sẽ có mặt tại diễn đàn ở trụ sở của FAO năm nay, giới thiệu 115 dự án đầu tư nông sản thực phẩm có tác động cao, và trực tiếp trao đổi với các nhà đầu tư tiềm năng trong hơn 400 cuộc họp. Sáng kiến Hand-in-Hand cho đến nay đã thúc đẩy hơn 3 tỷ USD đầu tư nông sản thực phẩm được ưu tiên, trong khi các dự án đầu tư được đề xuất có khả năng tăng gấp 6 lần.
Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện, ông Qu Dongyu cho biết: “Tài chính và đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm, để khai thác tiềm năng cung cấp lợi ích bền vững cho tất cả mọi người, cho hôm nay và tương lai”.
Sáng kiếnHand-in-Hand của FAO, cùng với Diễn đàn Đầu tư thường niên, là “một ví dụ rất hay về giải pháp đổi mới sáng tạo được thiết kế để thu hẹp khoảng cách tài chính theo cách toàn diện và công bằng, hướng đến các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc gia không giáp biển, cũng như các quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng lương thực”, Tổng Giám đốc FAO nói thêm.
Đáng chú ý, Diễn đàn Đầu tư Hand-in-Hand là cốt lõi của nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác, vì sáng kiến này đưa các nhà đầu tư, các ngân hàng phát triển đa phương, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển, các tổ chức và quỹ tác động đến một nền tảng, nơi các thành viên của FAO có thể trực tiếp trình bày những cơ hội đầu tư nông sản thực phẩm ưu tiên của họ trong hệ thống nông sản thực phẩm và chuỗi giá trị.
Vào năm 2023, 114 dự án đầu tư đã được trình bày, qua đó tìm kiếm 16,59 tỷ USD tổng đầu tư với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ trung bình là 24,5%, và nhắm đến 155 triệu người thụ hưởng.
Trong năm nay, triển vọng được mở rộng hơn nữa thông qua 3 sáng kiến khu vực mới, lần lượt tập trung vào các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển ở Caribe, khu vực Amazonia và Nam Phi.