Hàn Quốc và ASEAN đã, đang và sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên. Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn
Mối quan hệ khăng khít với khu vực, đặc biệt là Việt Nam
Điều này được thể hiện rõ nhất khi Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã tham dự buổi lễ được tổ chức gần đây tại một khách sạn 5 sao ở Seoul.
Nhân dịp đặc biệt này, Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin đã mở đầu và kết thúc bài phát biểu của mình bằng tiếng Việt, qua đó nêu bật một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất mà Hàn Quốc có với Việt Nam.
Những ngày gần đây, mọi hoạt động về Việt Nam và Hàn Quốc đang được nhiều người chú ý. Cụ thể, trong tuần qua, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã tổ chức Lễ hội Đèn lồng trong khuôn khổ kỳ nghỉ lễ Chuseok. Có thể nói rằng, các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Việt Nam vẫn đang diễn ra cho đến ngày hôm nay.
Là đối tác kinh tế lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam có vị trí đặc biệt đối với nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới này. Sau ba thập kỷ thiết lập mối quan hệ song phương, thương mại hai chiều giữa Hàn Quốc và Việt Nam chứng kiến mức tăng gấp 160 lần, từ 500 triệu USD ghi nhận trong năm 1992 lên đến 80 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021. Cả hai nước đều kỳ vọng rằng khối lượng thương mại giữa hai nước sẽ đạt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023 tới. Triển vọng kinh tế có thể nói là vô tận nhờ sự phổ biến của các sản phẩm điện tử và tiện ích do Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là điện thoại thông minh. Trong đó, hơn 50% sản lượng bán ra của Samsung ở Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới là đến từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong số ít những thành viên ASEAN nhanh chóng tận dụng lợi thế của du lịch sau đại dịch và thực hiện chiến dịch mở cửa chào đón du khách quốc tế vào cuối năm ngoái. Điều này cho phép khách du lịch Hàn Quốc đến tham quan vào thời điểm quyết định nhất. Trong thời kỳ đại dịch, dòng khách Hàn Quốc vẫn đang xếp hạng đầu tiên. Thậm chí trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, gần 4 triệu du khách Hàn Quốc đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm 2019.
Thành công của quan hệ kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam đã khiến các thành viên ASEAN khác trầm trồ. Hiện, mối quan hệ này được coi là một tấm gương mà chính phủ Thái Lan và khu vực tư nhân cho rằng cần phải học hỏi để hợp tác và quản lý các mối quan hệ của họ.
Củng cố quan hệ với khối khu vực ASEAN
Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, Hàn Quốc vươn lên như “một con phượng hoàng”, trong khi Thái Lan và các nước ASEAN khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian này. Trong 2 thập kỷ qua, Hàn Quốc đã có nhiều bước tiến bằng cách tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN. Ngày nay, Hàn Quốc đã trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều người dân Đông Nam Á đến làm việc, học tập và du lịch.
Năm 2021, số lượng công dân ASEAN sống tại Hàn Quốc ghi nhận vượt mốc nửa triệu người, cụ thể là 538.248 người. Trong đó phần lớn là người Việt Nam, với 208.740 người, chiếm khoảng 39%. Theo sau đó là Thái Lan với 171.800 người, tương đương với khoảng 32%.
Cần lưu ý ở đây rằng, quan hệ giáo dục của Việt Nam với Hàn Quốc là rất đặc biệt. Theo Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, vào năm 2021, có 72.535 sinh viên ASEAN theo học tại Hàn Quốc, trong đó 66.094 người, tương đương 91% là đến từ Việt Nam. Nhóm sinh viên lớn thứ hai và thứ ba lần lượt là đến từ Indonesia với 1.732 người và Myanmar với 1.621 sinh viên. Sự chênh lệch lớn giữa số lượng sinh viên Việt Nam và các nước ASEAN còn lại thể hiện sự nhiệt tình và hứng thú của sinh viên Việt Nam đối với nền giáo dục Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ kỹ thuật số.
Không giống với các đối tác đối thoại lớn khác, Hàn Quốc không có bất kỳ xung đột lịch sử nào với các thành viên ASEAN, gây cản trở quan hệ song phương và giao lưu nhân dân.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021 bởi Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc về nhận thức lẫn nhau của thanh niên ASEAN và Hàn Quốc, cảm nhận chung của họ là rất tích cực, cùng với kỳ vọng cao về hợp tác trong tương lai.
Tất nhiên, cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa để nâng cao nhận thức của giới trẻ Hàn Quốc, qua đó hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa của Đông Nam Á. Ở ASEAN, giới trẻ dễ tiếp thu văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí. Đây có thể là một nền tảng lấy con người làm trung tâm để mở rộng và tăng cường hợp tác nghệ thuật và văn hóa nhằm nâng cao sự tin cậy lẫn nhau và tôn trọng các nền văn hóa khác nhau.
Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố rằng ASEAN vẫn sẽ là trung tâm của chính sách ngoại giao khu vực và toàn cầu. Để chứng minh điều này, vào tuần trước, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc đã mở chi nhánh tại đảo Jeju để quảng bá về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến cộng đồng Hàn Quốc rộng lớn hơn. Trong khu vực, Seoul sẽ tiếp tục xây dựng và thúc đẩy tiến bộ dựa trên những nền tảng vững chắc của quan hệ ASEAN - Hàn Quốc vốn đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là thông qua Chính sách phương Nam mới và phiên bản mở rộng của chính sách này.
Đáng chú ý nhất, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol hiện đang xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình, trong đó nổi bật là tầm quan trọng chiến lược của ASEAN. Ngoài ra, tại hội nghị ASEAN gần đây diễn ra tại Phnom Penh, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin cũng thông báo cho ASEAN về ý định của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy mối quan hệ trở thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) tại hội nghị cấp cao liên quan đến ASEAN vào tháng 11 sắp tới. Động thái táo bạo và kịp thời này diễn ra trong bối cảnh ASEAN mong muốn mở rộng quan hệ chiến lược với các đối tác đối thoại có chọn lọc.
Trên nhiều phương diện, nó cũng cho thấy sự tự tin của Seoul đối với ASEAN. Với tư cách là một CSP, Hàn Quốc có thể củng cố hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy hòa bình, tiến bộ kinh tế và sự ổn định. Cùng nhau, các bên có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược chung là ngăn chặn bất kỳ thế lực bên ngoài nào thiết lập quyền bá chủ trong khu vực.
Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)