Hưởng ứng kế hoạch trung hòa carbon của chính phủ, hãng Toshiba sẽ ngừng tiếp nhận các đơn hàng mới để xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Ảnh minh họa: TTXVN
Ông khổng lồ ngành kỹ thuật và công nghệ này sẽ tiếp tục sản xuất các tua-bin hơi nước, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho các nhà máy điện than hiện tại và tiếp tục xây dựng các dự án đã được đặt hàng.
Các nhà cung cấp thiết bị đang cố gắng tạo ra sự khác biệt qua việc từ bỏ ngành điện than và tập trung vào các tua-bin khí và năng lượng tái tạo.
Các công ty đang chịu áp lực trong bối cảnh các nhà đầu tư yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu và viễn cảnh rằng chính sách thắt chặt hơn của chính phủ về phát thải khí nhà kính sẽ hạn chế phạm vi hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than mới - ngay cả ở châu Á, nơi các quốc gia hiện vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu như một hình thức phát điện giá rẻ.
Chủ tịch Toshiba Nobuaki Kurumatani cho biết: “Nhu cầu đối với các nhà máy điện than mới đang giảm dần”. “Chúng tôi đã bắt đầu xem xét rút khỏi hoạt động xây dựng nhà máy điện than mới trong năm tài chính trước, và cuối cùng đã đưa ra quyết định” sau khi chính phủ Nhật cam kết vào tháng trước sẽ trở thành nước trung hòa khí nhà kính vào năm 2050.
Ông Kurumatani ước tính các khoản đầu tư liên quan đến năng lượng tái tạo ở Nhật Bản có thể lên tới 80 nghìn tỷ yên (760,6 tỷ USD) trong thập kỷ tới trước bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực giảm phát thải.
Toshiba hiện có các đơn đặt hàng lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than ở các nước bao gồm Indonesia và Ấn Độ, theo thông tin chi tiết được liệt kê trên trang web của hãng.
Công ty có kế hoạch đầu tư 160 tỷ Yên vào năng lượng tái tạo cho các hoạt động của mình trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, đồng thời đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Toshiba đặt mục tiêu tăng doanh thu hàng năm từ hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của mình lên 650 tỷ yên vào tháng 3 năm 2031, so với khoảng 190 tỷ yên trong cả năm gần đây nhất.
Anh Tuấn (Lược dịch từ The Japan Times)