Nhận xét tại Diễn đàn RCEP Media & Think Tank với chủ đề “Hành động cùng nhau vì sự phát triển chung”, các quan chức và chuyên gia cho rằng, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Hiệp định RCEP được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho tiến trình tăng trưởng mới trong tương lai. Ảnh minh họa: BTK ASEAN/TTXVN/baotintuc.vn
Để đạt được mục tiêu này, tất cả các thành viên RCEP cần thực hiện những nỗ lực chung để tăng cường hợp tác, tìm kiếm sự phát triển chung với một quyết tâm vững chắc nhằm duy trì toàn cầu hóa.
Keo Puth Rasmey, Cựu Phó Thủ tướng Campuchia chia sẻ: “Hành động cùng nhau vì sự phát triển chung” là lời kêu gọi đúng đắn và khôn ngoan, phù hợp với những thời điểm không chắc chắn, đáng lo ngại của châu Á.
Trong khi đó, Tổng Biên tập tờ China Daily Qu Yingpu nhận định, hòa bình và phát triển của thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng phát sinh từ cả đại dịch COVID-19 và những thay đổi chưa từng thấy trong suốt 1 thế kỷ qua.
Các nền kinh tế RCEP cần tăng cường mức độ cởi mở và hợp tác sâu rộng hơn, nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao trên nguyên tắc cùng có lợi, củng cố mối quan hệ giao lưu giữa Nhân dân các nước nhằm tích cực tạo môi trường tốt cho sự phát triển chung.
Cũng trong một ý kiến khác, Phó Chủ tịch Trung tâm trao đổi kinh tế Quốc tế Trung Quốc Wang Yiming cho rằng, hiệp định là một ví dụ thành công của chủ nghĩa khu vực cởi mở, nhất là khi nó đã tập hợp các nền kinh tế có trình độ phát triển và cơ cấu công nghiệp khác nhau trở thành một cộng đồng kinh tế tích hợp, một việc chưa từng có trước đây.
Với mục tiêu tạo thuận lợi và tự do hóa thương mại và đầu tư, RCEP loại bỏ hơn 90% thuế quan đối với hàng hóa giao dịch trong khu vực trong thời gian 20 năm.
Chi Fulin – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cải cách và phát triển Trung Quốc (CIRD) ghi nhận, RCEP là một hiệp định không chỉ có lợi cho việc phát huy hết lợi thế của các nước phát triển truyền thống, mà nó còn cho phép các nước kém phát triển tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các thành viên RCEP trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế năng động và đẩy mạnh tăng trưởng ổn định trong khu vực.
Việc thực thi hiệp định RCEP là cột mốc quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong việc phản đối “chống toàn cầu hóa” và ủng hộ kế hoạch, cũng như nỗ lực cùng nhau xây dựng một thị trường khu vực thống nhất. Đây cũng là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy thương mại toàn cầu và tự do hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, cũng như được nhìn nhận như một thắng lợi lớn của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Khmer Times)