Thế giới

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7: Những vấn đề đồng thuận

ClockChủ Nhật, 06/06/2021 16:28
TTH.VN - Sau 2 ngày họp trực tiếp tại London, Anh, Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được cam kết "lịch sử", trong đó đồng ý áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%.

G7 gần tiến sát thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầuHội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 bàn về cải cách thuế doanh nghiệpMỹ thúc đẩy G20 áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Cuộc họp các Bộ trưởng tài chính G7 cùng các quan chức khác ở London ngày 5/6. Ảnh: Reuters/Nhandan

Ngoài ra, các Bộ trưởng G7 cũng đưa ra các cam kết về hành động khí hậu, hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Dưới đây là những điểm chính trong tuyên bố được đưa ra vào cuối Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 vừa kết thúc ngày 5/6:

Thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%

Trọng tâm trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính các nước G7, bao gồm Anh, Pháp, Italia, Canada, Nhật Bản, Đức và Mỹ, là đồng ý mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất. Khoản thuế này sẽ phải được thanh toán ở mọi quốc gia mà các doanh nghiệp đó hoạt động.

Theo đó, các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc dạng này, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ, nên nộp thuế ở nơi họ kiếm được lợi nhuận, chứ không chỉ ở nơi họ đặt trụ sở chính - thường là ở các quốc gia có mức thuế thấp. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng điều này sẽ khiến các doanh nghiệp không còn có thể trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp, từ đó chấm dứt “cuộc chạy đua xuống đáy” về áp thuế doanh nghiệp.

Theo AFP, biện pháp này đặc biệt nhắm vào nền kinh tế kỹ thuật số và các công ty công nghệ của Mỹ vốn đã thu lợi rất nhiều trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Tuyên bố không nói rõ liệu các quốc gia đã có thuế dịch vụ kỹ thuật số, chẳng hạn như Vương quốc Anh, hiện có giảm các loại thuế này hay không, một khi cải cách thuế mới vừa được G7 thông qua được thực hiện. Tuy nhiên sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thuế dịch vụ kỹ thuật số của nước này sẽ được xóa bỏ. 

Thực tế, mặc dù các Bộ trưởng G7 đã đưa ra cam kết mang tính bước ngoặt, nhưng các cải cách vẫn chưa được hoàn thiện và các Bộ trưởng Tài chính G7 sẽ thúc đẩy một thỏa thuận tại một cuộc họp của G20 ở Italia vào tháng 7 tới.

Rủi ro khí hậu

Các bộ trưởng cũng thảo luận về việc yêu cầu các doanh nghiệp phải tiết lộ cho các nhà đầu tư những tác động đối với biến đổi khí hậu mà doanh nghiệp đó có thể gây ra. Chủ đề này sẽ được tiếp tục khi Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tuần tới ở Cornwall sẽ tập trung vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các Bộ trưởng Tài chính G7 ủng hộ việc “tiến tới công bố tài chính bắt buộc liên quan đến khí hậu”, thống nhất rằng các nhà đầu tư cần thông tin “chất lượng cao” và đáng tin cậy về khả năng chịu rủi ro khí hậu của các doanh nghiệp, hiện vẫn được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Các Bộ trưởng cũng đặc biệt quan tâm đến quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của các doanh nghiệp.

Được biết, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP26 sẽ được tổ chức tại Scotland vào tháng 11 tới có thể sẽ thống nhất một khuôn khổ toàn cầu về vấn đề này.

Hỗ trợ cho các nước nghèo

Các nước G7 cho biết họ quyết tâm giúp đỡ “các nước có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương” đối phó với đại dịch COVID-19. Để hỗ trợ các quốc gia này, Bộ trưởng Tài chính G7 ủng hộ việc phân bổ 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) - là tài sản dự trữ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tạo ra để cung cấp thêm thanh khoản cho các nước.

Các bộ trưởng cũng kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) tăng cường nỗ lực và sử dụng “sức mạnh tài chính” của mình để cải thiện khả năng tiếp cận vaccine cho các nước đang phát triển, bao gồm cả thông qua cơ chế COVAX.

Phục hồi kinh tế toàn cầu

Tuyên bố cho biết các thành viên G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nội địa khi mở cửa trở lại sau các đợt phong toả và hạn chế hoạt động do COVID-19.

“Một khi sự phục hồi được thiết lập vững chắc, chúng ta cần đảm bảo tính bền vững lâu dài của tài chính công để có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai”, tuyên bố nêu rõ, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng đại dịch chỉ có thể chấm dứt khi được kiểm soát ở mọi nơi, từ đó yêu cầu quyền được tiếp cận công bằng với vaccine và các công cụ xét nghiệm cho tất cả các nước trên thế giới.

Một ngày trước đó, các Bộ trưởng Y tế G7 đã cam kết chia sẻ liều lượng vaccine ngừa COVID-19 của họ thông qua cơ chế COVAX “khi tình hình trong nước cho phép”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top