Tổ chức Thương mại thế giới đang đứng trước những yêu cầu cải cách mạnh mẽ.
Theo cảnh báo của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss đưa ra ngày 27-5, hệ thống thương mại toàn cầu có nguy cơ bị tan rã nếu nỗ lực cải tổ không đạt tiến bộ thực sự. Bà Liz Truss cho rằng, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 lần này là cơ hội để đạt được những bước đi cần thiết trong cải cách và đề ra khuôn khổ hành động mới trước Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC-12), dự kiến được tổ chức vào tháng 11-2021.
Chính vì vậy, Anh - nước đang giữ cương vị Chủ tịch G7 - muốn tận dụng hội nghị lần này để thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả trong vấn đề trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời hiện đại hóa các quy định của WTO. Các cuộc thảo luận cũng tiếp tục phát triển kết quả hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng thương mại G7 hồi cuối tháng 3 vừa qua về việc xem xét các cải cách tăng cường vai trò WTO như một diễn đàn đàm phán.
Đồng quan điểm với Anh, nhiều quốc gia lớn trên thế giới cũng đề cập tới nhu cầu cấp thiết phải cải cách WTO. Liên minh châu Âu (EU) mong muốn tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành viên bằng cách đưa ra các quy tắc và định nghĩa chi tiết hơn về quản lý doanh nghiệp nhà nước và các khoản trợ cấp làm biến dạng thị trường. Bên cạnh đó, EU cũng kêu gọi cải thiện tính minh bạch và công khai về trợ cấp từ các quốc gia thành viên, xóa bỏ rào cản đầu tư trong các ngành dịch vụ, áp dụng quy tắc cụ thể để ngăn chặn chuyển giao công nghệ bắt buộc. Canada đề xuất cập nhật những quy tắc và quy định thương mại để bảo đảm sự phù hợp của WTO đối với các vấn đề thương mại hiện đại.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, WTO bộc lộ nhiều hạn chế khi 164 thành viên ngày càng khó đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề như Quy tắc thương mại số và giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, kể từ khi thành lập (năm 1995), WTO chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào khiến cho tổ chức này ngày càng lúng túng trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công. Nói một cách cụ thể, với sự chuyển biến không ngừng của thế giới, một số quy tắc WTO dường như đã lỗi thời, không còn phù hợp như: Lĩnh vực thương mại số, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…
Ngoài ra, chức năng đàm phán của WTO đang bị cho là rơi vào tình trạng khủng hoảng do cơ chế đồng thuận hoàn toàn. Tức là, chỉ khi không có một nước nào bỏ phiếu chống, những quyết định hay quy định mới được thông qua. Một số thành viên đã tận dụng cơ chế này để duy trì những rào cản có thể bất lợi cho số đông nhưng có lợi cho nước họ. Đây là câu trả lời cho những thắc mắc vì sao nỗ lực cải cách WTO liên tục giậm chân tại chỗ.
WTO là nền tảng cho 96% thương mại toàn cầu. Khi hệ thống phân xử các tranh chấp thương mại, vốn là cơ chế hoạt động hiệu quả nhất của WTO, xuất hiện nhiều vấn đề có thể khiến cơ quan trọng tài thương mại hàng đầu thế giới này rơi vào tình cảnh tê liệt. Đây là nguy cơ dẫn tới khả năng các quốc gia tự tìm cách giải quyết tranh chấp bằng những hình thức tự phát, mở đường cho sự xuất hiện trở lại các rào cản thương mại, những cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng”. Chính vì thế, việc cải cách WTO là sự cần thiết để tổ chức này thực sự là điểm tựa đáng tin cậy trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu.
Theo Hanoimoi