Thế giới

WHO hoan nghênh sáng kiến ​​mới giúp chống lại các bệnh không lây nhiễm

ClockThứ Tư, 13/04/2022 21:35
TTH - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa lên tiếng hoan nghênh việc thành lập Nhóm các nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ toàn cầu mới, giúp đưa thế giới trở lại đúng hướng để làm giảm 1/3 các trường hợp tử vong sớm do những bệnh không lây nhiễm, như: tiểu đường, ung thư, bệnh tim và phổi,…

Nguy cơ tái nhiễm ở những bệnh nhân đã mắc Omicron là rất thấp“Bệnh không lây nhiễm trong tình hình COVID-19”

Tăng cường vận động là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Quyết định này được công bố tại Đối thoại chiến lược quốc tế về các bệnh không lây nhiễm và các mục tiêu phát triển bền vững, được tổ chức tại thủ đô Accra của Ghana trong ngày 12/4 (giờ địa phương). Đối thoại do WHO, Ghana và Na Uy đồng chủ trì. Được biết, Nhóm các nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ toàn cầu về bệnh không lây nhiễm sẽ nhóm họp thường niên tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (LHQ). Hội nghị đầu tiên dự kiến sẽ ​​diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Tại Đối thoại này, các nhà lãnh đạo quốc gia đã nhấn mạnh sự cấp bách của “đại dịch” bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân gây ra 7 trong 10 trường hợp tử vong trên toàn thế giới, do các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, và ô nhiễm không khí.

Trong một phát biểu ngày 13/4, cơ quan y tế của LHQ cho biết, bệnh không lây nhiễm phần lớn có thể phòng ngừa và điều trị được. Cụ thể, gần 7 triệu sinh mạng có thể được cứu sống, với chỉ 0,84 USD/người/năm từ nay cho đến năm 2030. Khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội trị giá hơn 230 tỷ USD, đồng thời ngăn ngừa gần 10 triệu ca đau tim và đột quỵ trên toàn cầu vào năm 2030.

Theo Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, bên cạnh các trường hợp tử vong, bệnh không lây nhiễm còn gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế, tác động đến con người trong những năm làm việc hiệu quả nhất của họ. “Để vượt qua thách thức này, cần có sự cam kết về kỹ thuật, tài chính và trên hết là cam kết chính trị. Tôi cảm ơn Chính phủ Na Uy và Chính phủ Ghana đã thành lập Nhóm các nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Toàn cầu đầu tiên về bệnh không lây nhiễm, đồng thời khởi động Hiệp ước Toàn cầu về bệnh không lây nhiễm”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Được biết, Hiệp ước này sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm: Cứu lấy mạng sống của 50 triệu người vào năm 2030, những người có nguy cơ tử vong sớm vì bệnh không lây nhiễm thông qua việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả về chi phí nhất; Bảo vệ 1,7 tỷ người sống chung với bệnh không lây nhiễm, bằng cách đảm bảo họ được tiếp cận với các loại thuốc và sự chăm sóc trong trường hợp khẩn cấp; Lồng ghép các bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và bao phủ sức khỏe toàn dân; Giám sát và theo dõi bệnh không lây nhiễm một cách toàn diện; Đưa 1,7 tỷ người sống chung với bệnh không lây nhiễm và các tình trạng sức khỏe tâm thần vào việc hoạch định chính sách và xây dựng chương trình.

Về phần mình, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho rằng, việc đầu tư vào các hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, cung cấp dịch vụ chăm sóc và ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm sẽ giúp các nhóm dân cư dễ bị tổn thương có khả năng chống chịu tốt hơn trước đại dịch COVID-19, và các đại dịch trong tương lai.

THANH NGÂN

 (Lược dịch từ UN News & WHO)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Với Công trình thanh niên “Tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”, tuổi trẻ Công an Thừa Thiên Huế đã khơi gợi được sự thấu hiểu, đồng lòng và hưởng ứng của đông đảo người dân.

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG CẤP CAO TOÀN CẦU LẦN THỨ 4 VỀ AMR:
Các sáng kiến về kháng thuốc trở thành tâm điểm

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách về tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR), các sáng kiến về kháng thuốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, khi các bên liên quan nhóm họp tại Hội nghị Bộ trưởng cấp cao toàn cầu lần thứ 4 về AMR.

Các sáng kiến về kháng thuốc trở thành tâm điểm
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top