Thế giới

Hợp tác và linh hoạt là chìa khóa để vực dậy ngành du lịch ASEAN

ClockThứ Ba, 19/05/2020 15:04
TTH.VN - Đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch ở khu vực Đông Nam Á bị tác động. Các nền kinh tế ASEAN cần ngành du lịch của họ chuyển động trở lại một khi những hạn chế được dỡ bỏ, nhưng sẽ mất thời gian và cần cách tiếp cận linh hoạt.

Hiệp định với EU là chìa khoá để phục hồi các hãng hàng không ASEAN11 quốc gia EU đồng ý thỏa thuận chung mở cửa trở lại du lịchĐổi mới trong thời kỳ Covid-19, Indonesia phát triển tour du lịch ảoLượng du khách đến châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm 32% trong năm 2020

Đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch ở khu vực Đông Nam Á. Du lịch trong khu vực này đã giảm 36% trong quý đầu tiên của năm 2020, so với năm 2018 và 2019. Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp quốc (UNWTO) cũng đã dự báo ​​mức giảm 30% trong số lượt khách du lịch trên toàn thế giới.

Trong khi tác động toàn cầu của COVID-19 là chưa từng có, có một vài con số từ quá khứ cho thấy, ngành du lịch Indonesia đã mất 6 tháng để phục hồi sau vụ đánh bom ở Lombok năm 2018. Trong khi đó, phải mất nhiều năm để Indonesia và Thái Lan phục hồi sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương xảy ra hồi năm 2004.

Không có gì đáng ngạc nhiên, Công ty Tư vấn và Dữ liệu Tourism Economics dự báo, ngành du lịch sẽ không trở lại bình thường cho đến năm 2023. Các nhà kinh tế Indonesia tin rằng, việc phục hồi sẽ mất ít nhất một năm, vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho Đông Nam Á, nơi du lịch cung cấp việc làm cho hàng triệu người.

Du lịch sẽ như thế nào trong tương lai?

Có một vài tin tốt. Một cuộc khảo sát gần đây nhấn mạnh niềm tin của khách du lịch Trung Quốc. Cụ thể, 53% trong số đó khẳng định họ muốn đi du lịch nước ngoài trong năm nay. Trong đó, 71% nhận định Thái Lan là một điểm đến ưa thích.

Tuy nhiên, ngành du lịch, một khi những hạn chế được dỡ bỏ, sẽ trông rất khác. Những du khách trẻ hơn được dự báo ​​sẽ dẫn đầu, do yếu tố sợ hãi sẽ khiến khách du lịch lớn tuổi hơn trì hoãn du lịch, đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe.

Các trung tâm du lịch, hàng không, khách sạn và những địa điểm khác sẽ phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và vệ sinh. Các quốc gia sẽ cần có kế hoạch để điều trị cho mọi người nếu họ bị bệnh.

Các quốc gia sẽ tập trung vào việc thúc đẩy du lịch trong nước trước tiên

Khi các quy tắc về di chuyển nội bộ được nới lỏng trước khi biên giới được mở trở lại, các quốc gia trên toàn thế giới đang chuẩn bị để đẩy mạnh du lịch nội địa. Ngay cả khi những hạn chế được nới lỏng, nhiều người sẽ xem du lịch nước ngoài là quá mạo hiểm.

Malaysia đang lên kế hoạch xúc tiến du lịch trong nước từ tháng 9. Phương tiện truyền thông xã hội sẽ đóng một vai trò lớn. Ông Musa Yousuf, Tổng Giám đốc Du lịch Malaysia giải thích, ưu tiên hàng đầu là “tập trung vào du lịch nội địa để gia tăng nhu cầu về thương mại du lịch và các dịch vụ liên quan, bao gồm các hãng hàng không, lưu trú, giao thông đường bộ, bán lẻ và dịch vụ ẩm thực".

Tương tự, Philippines sẽ chuyển sang du lịch nội địa trước. “Bằng cách khai thác thị trường nội địa thông qua tiếp thị nhắm mục tiêu có hiệu quả, chúng tôi có thể vượt qua một số thách thức đáng kể mà chúng tôi đối mặt sau đại dịch này”, Bộ trưởng Du lịch Philippines, bà Bernadette Romulo-Puyat cho hay.

Hợp tác ASEAN đóng vai trò quan trọng

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về đại dịch COVID-19 của ASEAN vào tháng trước là một bước ngoặt tiềm năng. Một tuyên bố gần đây từ các Bộ trưởng Du lịch ASEAN phác thảo kế hoạch hành động 7 điểm để hồi sinh ngành du lịch trên toàn khu vực cũng được hoan nghênh.

Về lý thuyết, các biện pháp này sẽ giúp ích. Chẳng hạn như, hoạt động chia sẻ kiến ​​thức sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong khu vực và đảm bảo mọi người được giữ an toàn.

“Một số nghiên cứu cho rằng, cần ít nhất 5 năm để ngành du lịch trở lại trạng thái bình thường sau COVID-19. Nhưng tôi tin tưởng, ASEAN sẽ tốt hơn thế, ngành du lịch trong khu vực của chúng ta sẽ phục hồi nhanh hơn với một điều kiện, chúng ta phải tăng cường hợp tác”, Thứ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, bà Angela Tanoesoedibjo nhấn mạnh.

“Hơn bao giờ hết, chúng ta đang dựa vào sự thống nhất của ngành du lịch để đảm bảo rằng, chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt và vượt qua những thời gian khó khăn này”, bà Bernadette Romulo-Puyat nói thêm.

Các Chính phủ và tổ chức có thể làm gì khác?

Có những biện pháp khác mà các Chính phủ có thể thực hiện để thúc đẩy ngành du lịch. Các gói cứu trợ là một lựa chọn. Cho vay và trợ cấp là những lựa chọn khác. Nhận thức được những xu hướng thay đổi trong du lịch là điều rất quan trọng. Khi khách du lịch tìm cách kết nối lại với thiên nhiên và đi du lịch theo những nhóm gia đình lớn hơn trước đây, ngành du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của họ không?

Malaysia đang thúc đẩy một cách tiếp cận toàn cộng đồng. Chính phủ của quốc gia này đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các trường đại học. Thái Lan đang giới thiệu một chương trình chứng nhận. Trong đó, các khách sạn và địa điểm phải chứng minh họ đang đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh. Nếu không, họ sẽ không thể đón tiếp khách du lịch. Indonesia cũng đang xem xét để thực hiện điều tương tự.

Du lịch phải được xây dựng dựa trên những gì đang diễn ra đối với các lĩnh vực khác

Du lịch không phải là lĩnh vực duy nhất được hưởng lợi từ sự hợp tác. Liên Hiệp quốc (LHQ) đang kêu gọi các quốc gia hợp tác để tránh khủng hoảng lương thực. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thúc đẩy hợp tác về thương mại và vật tư y tế. “ASEAN vẫn cần duy trì mở cửa đối với thương mại, khủng hoảng hay không có khủng hoảng, vì không quốc gia nào có thể đứng một mình”, ông Rodrigo Duterte khẳng định.

Bên cạnh đó, Ủy ban Công tác Đặc biệt Singapore-Malaysia về đại dịch COVID-19 được thành lập vào tháng 3 là một ví dụ thành công của các quốc gia làm việc cùng nhau. “Thông qua ủy ban này, chúng tôi duy trì hàng hóa lưu thông giữa hai quốc gia, bất chấp những hạn chế hiện tại đối với sự di chuyển của người dân”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Y tế của Hoa Kỳ và ASEAN đã cam kết hỗ trợ lẫn nhau. Sau một cuộc họp trực tuyến vào ngày 30/4, họ đã cam kết sẽ thực hiện “những biện pháp cụ thể và hiệu quả” để vượt qua đại dịch.

Những dấu hiệu ban đầu chỉ ra rằng, trạng thái “bình thường mới” đang được nhìn thấy ở các quốc gia và khu vực, thông qua sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác, trước tiên là để chống lại đại dịch và sau đó sẽ mang lại sự phục hồi kinh tế, mặc dù sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, điều cần thiết là ngành du lịch trên toàn ASEAN phải hợp tác với nhau, từ việc xác định và thích nghi với những xu hướng mới, đến việc thiết lập và tuân theo những thực hành tốt nhất.

Lê Thảo (Lược dịch từ ASEAN Today)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Hợp tác mang đến cho người học cơ hội trải nghiệm quốc tế

Chiều tối 4/12, Trường cao đẳng Du lịch Huế phối hợp Phòng Nghề và Thủ công Ile-de-France (Cộng hòa Pháp) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận khung hợp tác nhằm mang đến cho người học việc cơ hội có được trải nghiệm quốc tế phong phú cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Hợp tác mang đến cho người học cơ hội trải nghiệm quốc tế
Return to top