Giáo viên dạy học trực tuyến trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhờ sự phát triển của internet và các công nghệ đổi mới sáng tạo, việc có mặt trực tiếp trong lớp học không còn là điều tất yếu. Ngày nay, người học có thể chọn nền giáo dục tốt ở bất cứ khi nào và bất kỳ nơi đâu, miễn là họ được truy cập internet.
Theo báo cáo “Những bài học về giáo dục” do Công ty cung cấp nền tảng hội nghị trực tuyến Zoom phối hợp thực hiện cùng Dịch vụ nghiên cứu kinh doanh thông minh (IBRS), các cơ sở giáo dục trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần khẩn trương ưu tiên phát triển chuyên môn cho các nhà giáo dục trong việc sử dụng công nghệ, để phục vụ công tác giảng dạy. Ngoài ra, các nền tảng kỹ thuật số cũng có chức năng kép trong việc hỗ trợ quá trình học hỏi của các nhà giáo dục.
Ông Joe Sweeney, Cố vấn của IBRS lập luận, những trường học đã thực sự làm tốt công tác chuyển đổi sang phương pháp học tập kết hợp giữa đại dịch là những cơ sở giáo dục có tư duy kỹ thuật số. Đây không chỉ là việc áp dụng công nghệ cho các thành phần khác nhau của trải nghiệm giáo dục riêng biệt, mà còn là xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số tích hợp, nhằm hợp nhất các hệ thống cho học sinh, sinh viên và giáo viên để đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, ông Joe Sweeney cũng tin rằng, bài học quan trọng nhất là cần phải thay đổi cách thức xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy. “Chương trình giảng dạy hiện có không nên được chuyển sang trực tuyến một cách hàng loạt, mà cần điều chỉnh cho phù hợp với tài liệu có kích cỡ vừa phải, có thể di chuyển và sắp xếp một cách linh hoạt trong chương trình giảng dạy tổng thể. Các nhà giáo dục cũng sẽ có thể chia sẻ nội dung với nhau dễ dàng hơn”, chuyên gia này giải thích.
Môi trường kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến
Báo cáo nói trên cũng phát hiện, các giai đoạn giảng dạy kéo dài bao gồm nhiều trọng tâm học thuật thường dẫn đến việc học sinh, sinh viên cảm thấy không hứng thú với môi trường học tập từ xa. Qua đó, các giai đoạn học tập cần trở nên ngắn gọn và tập trung hơn, với 3 giai đoạn gồm: giai đoạn khám phá để học tập độc lập, giai đoạn hướng dẫn cố vấn, và giai đoạn tổng hợp để đánh giá kiến thức.
Bên cạnh đó, trong một lớp học kết hợp, học sinh, sinh viên sẽ tham gia học tập từ nhiều địa điểm khác nhau. Môi trường học tập trong tương lai cũng phải tính đến các bậc phụ huynh, những người giám sát việc học tập của con em tại nhà, các giáo viên và quản trị viên kết hợp, cũng như những bên liên quan khác.
Tất cả các yếu tố của giáo dục phải được tích hợp vào môi trường công nghệ, được các trường sử dụng một cách đơn giản, thân thiện với người dùng, và tiết kiệm. Điều này sẽ áp dụng cho tất cả các khía cạnh cộng tác giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh, bao gồm cả việc phát triển chương trình giảng dạy và quản lý học tập.
Trong đó, kiến trúc công nghệ chính thức có thể hỗ trợ sự đổi mới sáng tạo về giáo dục nhằm cải thiện trải nghiệm dạy và học là điều mà các cơ sở giáo dục sẽ cần hướng tới trong tương lai.
Cũng theo ông Joe Sweeney, đại dịch đã cho thấy khả năng thích ứng rất cao của ngành giáo dục, nhất là mức độ nhanh chóng của các tổ chức giáo dục trong việc sử dụng tài nguyên kỹ thuật số để mang đến cho học sinh, sinh viên trải nghiệm học tập nhất quán, và dễ tiếp cận.
“Để giúp các nhà giáo dục quản lý phương thức học tập luôn thay đổi này, điều quan trọng là cần tích hợp các giải pháp và nền tảng kỹ thuật số khác nhau vào một hệ sinh thái gắn kết, trong đó có thể đáp ứng cả phương tiện giảng dạy trực tiếp và trực tuyến”, ông Joe Sweeney lưu ý.
Ngành giáo dục tại Đông Nam Á
Được biết, ngành giáo dục trong khu vực Đông Nam Á đang trải qua một quá trình chuyển đổi, nhất là khi công nghệ ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. Một số quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang sử dụng công nghệ để cải tiến giáo dục.
Trong đó, học sinh, sinh viên Indonesia nằm trong số những người sử dụng công nghệ trong lớp học nhiều nhất trên toàn cầu, theo số liệu từ Công ty Medium. Con số này cao hơn so với hầu hết các học sinh, sinh viên khác trên thế giới, sinh viên Indonesia sử dụng công nghệ trong lớp học, với 40% các lớp học có phòng máy tính. Ngoài ra, học sinh, sinh viên ở quốc gia này cũng sử dụng máy tính để bàn với tỷ lệ 50%, đứng thứ 2 trên toàn thế giới; chỉ sau học sinh, sinh viên Mỹ.
Nhìn chung, bài viết cho rằng, ngành giáo dục trong khu vực rất có thể sẽ dần chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sử dụng bút, phấn và bảng viết, sang sử dụng nhiều hơn các bài thuyết trình PowerPoint và phần mềm.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ Tech Wire Asia)