Một nhóm chuyên gia IMF sẽ thảo luận với các quan chức Iraq vào đầu tháng tới về cách thức thiết lập một chương trình giám sát cho Baghdad - một sự sắp xếp mà theo đó, IMF sẽ giám sát chính sách kinh tế của Iraq, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF – ông Masood Ahmed cho biết.
|
Một lớp học ở Baghdad, Iraq ngày 18/10/2015. Ảnh: Reuters.
|
"Chúng tôi đang hy vọng sẽ xây dựng một hồ sơ theo dõi việc thực hiện chính sách - đó sẽ là cơ sở cho chương trình tài trợ tiếp theo của IMF vào cuối năm 2016," ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Ahmed cho biết, khoản cho vay mới của IMF sẽ rất lớn, lên tới 1,24 tỷ USD trong gói tài trợ khẩn cấp mà IMF đã đồng ý cung cấp cho Iraq hồi tháng 7 vừa qua.
Áp lực tài chính đè lên Iraq đã trở nên rất nghiêm trọng vào đầu tháng này, Baghdad phải tạm dừng kế hoạch phát hành 2 tỷ USD trái phiếu quốc tế do lợi tức mà các nhà đầu tư đòi hỏi quá cao.
Việc huỷ bỏ phát hành trái phiếu giáng một đòn mạnh lên các nỗ lực của chính phủ để tài trợ cho thâm hụt ngân sách dự kiến khoảng 25 tỷ USD năm nay, trong tổng số khảon ngân sách xấp xỉ 100 tỷ USD.
Theo nhận định của Giám đốc Ahmed, Baghdad sẽ không ngay lập tức bị nguy hiểm do việc cạn sạch tiền vì nước này có thể trì hoãn các dự án đầu tư và nếu cần, có dựa vào nguồn tài chính của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ Iraq cần phải đưa ra một kế hoạch rõ ràng, toàn diện để khôi phục lại nguồn tài chính của mình, và một chương trình giám sát của IMF có thể hỗ trợ được việc này.
"Chương trình này có thể giúp mang lại lòng tin cho các nhà đầu tư trong trường hợp các nhà chức trách quyết định tiếp cận lại thị trường trái phiếu một lần nữa," ông Ahmed nói thêm.
Khoản vay mới mà IMF dành cho Iraq sẽ đi kèm với các điều kiện chính sách, chẳng hạn như các bước của Baghdad để giảm trợ giá năng lượng và cải cách các doanh nghiệp nhà nước – những bước đi có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt chính trị.
Giám đốc Ahmed tin rằng, các nhà chức trách sẽ quyết tâm thúc đẩy cải cách, mặc dù ông nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào cũng đều phải "bền vững về mặt xã hội và chính trị" để IMF không phải tìm cách áp đặt các lựa chọn.
"Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương đều nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với sự cần thiết phải tiến hành những lựa chọn khó khăn."