Thế giới

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

ClockThứ Tư, 17/04/2024 10:44
TTH.VN - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

Chi phí nợ kỷ lục, nhiều quốc gia không đủ tài chính để chi tiêu cho khí hậuLạm phát tiếp tục giảm trong năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn bị đánh bại

 Cảng hàng hóa ở thành phố Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

IMF hiện kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 1 và thêm 3,2% vào năm 2025, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) mới nhất.

Lạm phát toàn cầu được dự kiến sẽ giảm từ 5,9% trong năm nay xuống còn 4,5% vào năm 2025, được hỗ trợ bởi lãi suất tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới.

“Nền kinh tế toàn cầu vẫn khá kiên cường, mặc dù có sự khác biệt giữa các khu vực và quốc gia”, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF nói với các phóng viên trước khi báo cáo WEO được công bố.

“Kịch bản cơ bản của chúng tôi là kịch bản phù hợp với tình trạng hạ cánh mềm toàn cầu”, ông Pierre-Olivier Gourinchas nói thêm, đề cập đến nỗ lực của nhiều ngân hàng trung ương nhằm giảm lạm phát xuống mục tiêu mà không gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo WEO được đưa ra khi các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu đang nhóm họp tại Washington (Mỹ) trong tuần này để tham dự một loạt các cuộc họp do IMF và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức tại trụ sở chính của các cơ quan này ở Washington. Trong đó, sự hỗ trợ cho các quốc gia mắc nợ nhiều nhất trên thế giới và vấn đề biến đổi khí hậu là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cuộc họp quan trọng này.

Theo báo cáo nói trên, sự khác biệt giữa các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới là rất rõ ràng, IMF hiện dự báo tăng trưởng ở Mỹ sẽ đạt 2,7% trong năm nay, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra trước đó hồi tháng 1 năm nay, đánh dấu sự tăng tốc so với mức tăng trưởng 2,5% đã được ghi nhận vào năm 2023. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau đó được dự báo sẽ giảm xuống còn 1,9% vào năm 2025, cao hơn một chút so với dự báo trước đó.

Ngược lại, khu vực đồng euro (Eurozone) hiện được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% vào năm 2024, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1 và chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng ảm đạm 0,4% của năm ngoái, trước khi tăng lên 1,5% vào năm 2025.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh và Canada trong năm nay cũng được điều chỉnh thấp hơn, trong khi dự báo tăng trưởng năm 2024 của Nhật Bản không thay đổi.

Bức tranh triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng rất hỗn hợp đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,1% vào năm 2025, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 1. Theo báo cáo WEO, tốc độ tăng trưởng chậm lại phần lớn là do việc nới lỏng “các chính sách thúc đẩy tiêu dùng và kích thích tài chính sau đại dịch”, cũng như sự suy yếu đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản.

Một trong những điểm sáng trong năm nay là Ấn Độ, quốc gia mà IMF hiện dự báo sẽ tăng trưởng 6,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1, và 6,5% vào năm 2025. IMF cho biết, mặc dù thấp hơn 1% so với con số tăng trưởng của Ấn Độ vào năm 2023, nhưng mức tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến trong năm nay phản ánh “nhu cầu nội địa tiếp tục mạnh mẽ và dân số trong độ tuổi lao động gia tăng” của nền kinh tế Nam Á này.

Dự báo đối với khu vực Mỹ Latinh trong năm nay cao hơn một chút ở mức 2%, trong khi triển vọng cho khu vực châu Phi cận Sahara không đổi ở mức 3,8%. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng năm 2024 ở Trung Đông và Trung Á thấp hơn một chút, ở mức 2,8%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Bất chấp triển vọng tổng thể lạc quan hơn của IMF trong năm nay, báo cáo WEO nhận thấy tăng trưởng trong trung hạn dự kiến sẽ vẫn yếu, dự kiến tăng trưởng sẽ đạt 3,1% vào năm 2029, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đại dịch.

Báo cáo của IMF cũng nhận định: “Tốc độ hướng tới mức sống cao hơn ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn đã chậm lại, cho thấy sự chênh lệch kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại dai dẳng”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ AFP & The Business Times)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 18/12 cho hay, Chính phủ Australia vừa đóng góp 13 triệu đô la Australia (tương đương 8,4 triệu USD) vào các nguồn lực cốt lõi của UNDP cho năm 2024. Đóng góp đáng kể này thể hiện cam kết liên tục của Australia đối với sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác với UNDP.

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu
Return to top