|
Người dân mua sắm trong một khu chợ ở thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo người đứng đầu IMF, lạm phát chung ở các nền kinh tế tiên tiến ở mức 2,3% trong quý cuối cùng của năm 2023, giảm so với mức 9,5% chỉ 18 tháng trước đó, và xu hướng giảm được dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế tiên tiến lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay, mặc dù tốc độ và thời gian sẽ khác nhau, bà Kristalina Georgieva phát biểu trong một sự kiện do tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức.
“Trong giai đoạn cuối cùng này, điều quan trọng gấp đôi là các ngân hàng trung ương cần duy trì sự độc lập của mình. Việc nới lỏng sớm có thể gây ra những bất ngờ mới về lạm phát, thậm chí có thể cần phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Mặt khác, việc trì hoãn quá lâu có thể dội một gáo nước lạnh vào hoạt động kinh tế”, bà Kristalina Georgieva nhận định.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) của IMF vào tuần tới sẽ cho thấy tăng trưởng toàn cầu mạnh hơn một chút nhờ hoạt động mạnh mẽ ở Mỹ, và ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi.
Cũng theo Tổng giám đốc IMF, khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế toàn cầu đang được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh mẽ và lực lượng lao động mở rộng, tiêu dùng hộ gia đình mạnh mẽ và các vấn đề về chuỗi cung ứng giảm bớt, nhưng vẫn còn "nhiều điều phải lo lắng".
"Môi trường toàn cầu trở nên thách thức hơn. Căng thẳng địa chính trị làm tăng nguy cơ phân mảnh... và, như chúng ta đã nhìn thấy trong vài năm qua, chúng ta hoạt động trong một thế giới mà chúng ta phải mong đợi những điều bất ngờ", bà Kristalina Georgieva nói thêm.
Hoạt động toàn cầu đang suy yếu theo tiêu chuẩn lịch sử và triển vọng tăng trưởng đã chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn 2008 - 2009. Thiệt hại sản lượng toàn cầu kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào năm 2020 là 3,3 nghìn tỷ USD, ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Mỹ đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhất, nhờ tăng trưởng năng suất mở rộng. Hoạt động của khu vực đồng euro (Eurozone) đang phục hồi chậm hơn do những tác động kéo dài của giá năng lượng cao và tăng trưởng năng suất yếu hơn.
Trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi, các quốc gia như Indonesia và Ấn Độ hoạt động tốt hơn, nhưng các quốc gia có thu nhập thấp phải hứng chịu vết sẹo nghiêm trọng nhất.
Do tốc độ tăng trưởng năng suất chậm lại đáng kể và trên diện rộng, triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm của IMF chỉ ở mức trên 3%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 3,8%.
Qua đó, những cải cách cơ bản, chẳng hạn như tăng cường quản trị, cắt giảm quan liêu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động và cải thiện khả năng tiếp cận vốn có thể nâng sản lượng lên 8% trong 4 năm.
Thậm chí còn có thể làm được nhiều hơn thế với các chính sách khuyến khích chuyển đổi kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, điều này có thể mang lại những cơ hội lớn về đầu tư, việc làm và tăng trưởng.
Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại những lợi ích tiềm năng to lớn nhưng cũng có những rủi ro, với một nghiên cứu gần đây của IMF cho thấy, AI có thể ảnh hưởng lên tới 40% việc làm trên toàn thế giới, và 60% ở các nền kinh tế tiên tiến.