Thế giới

IMF phân bổ 650 tỷ USD: "Cú hích cho nền kinh tế toàn cầu"

ClockThứ Ba, 24/08/2021 11:02
TTH.VN - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/8 thông báo sẽ bắt đầu phân bổ khoảng 650 tỷ USD Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các nước thành viên, đem đến một “cú hích quan trọng” cho những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại đại dịch COVID-19, Reuters đưa tin.

IMF đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD để chấm dứt đại dịchIMF lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng toàn cầuIMF nới rộng khoảng cách dự báo tăng trưởng giữa các nhóm nước

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Newziana.co.zw

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết đây là đợt phân bổ nguồn lực lớn nhất trong lịch sử IMF, sẽ tăng cường tính thanh khoản cho nền kinh tế toàn cầu, bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối cho các nước thành viên và giảm sự phụ thuộc của họ vào các khoản nợ trong hoặc ngoài nước đắt đỏ hơn.

 “Việc phân bổ là một cú hích quan trọng đối với thế giới và nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, sẽ là cơ hội duy nhất để chống lại cuộc khủng hoảng chưa từng có này”, bà Georgieva khẳng định.

IMF cũng nhấn mạnh mối quan ngại về các xu hướng phân hóa trong nền kinh tế toàn cầu và cho biết việc phân bổ SDR mới sẽ cho phép các nước giàu hơn hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đồng thời cải thiện triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Các quốc gia có thể sử dụng tiềm lực từ SDR để hỗ trợ nền kinh tế nội địa và đẩy mạnh cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng không nên sử dụng dư địa tài khóa để trì hoãn các cải cách kinh tế cần thiết hoặc tái cơ cấu nợ, IMF cho biết trong một tài liệu hướng dẫn riêng.

Các nước thành viên IMF sẽ nhận được SDR - đơn vị trao đổi của IMF tính theo rổ tiền tệ gồm đồng USD, đồng euro, đồng yen Nhật Bản, đồng bảng Anh và Nhân dân tệ của Trung Quốc, tương ứng với tỷ lệ sở hữu hạn ngạch hiện có của mỗi quốc gia trong quỹ.

Theo đó, khoảng 275 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó khoảng 21 tỷ USD sẽ chảy vào các quốc gia thu nhập thấp - tương đương 6% GDP trong một số trường hợp.

Nguồn hỗ trợ thêm

Để nâng cao lợi ích của việc phân bổ này, IMF đang khuyến khích chuyển một số SDR tự nguyện từ các quốc gia giàu có đến các nước nghèo hơn cần chúng nhất. Trong 16 tháng qua, một số nước thành viên đã cam kết cho vay 24 tỷ USD, bao gồm 15 tỷ USD từ các SDR hiện có của họ, cho Quỹ tín thác tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo của IMF – một tổ chức cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các nước có thu nhập thấp. IMF cho biết đây mới chỉ là bước khởi đầu và sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia thành viên để phát triển nỗ lực này.

IMF cũng đang chung tay với các nước thành viên về khả năng thành lập Quỹ tín thác khả năng phục hồi và bền vững mới, có thể sử dụng các SDR được phân bổ để giúp các nước dễ bị tổn thương nhất trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, bao gồm đối mặt với các thách thức liên quan đến khí hậu. Một khả năng khác có thể là chuyển SDR để hỗ trợ năng lực cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương.

Đợt phân bổ SDR này được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực rộng lớn hơn của IMF nhằm hỗ trợ các quốc gia vượt qua đại dịch, bao gồm: 117 tỷ USD tài trợ mới cho 85 quốc gia, xóa nợ cho 29 quốc gia có thu nhập thấp, và tư vấn chính sách và hỗ trợ phát triển năng lực cho hơn 175 quốc gia để giúp đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn sau đại dịch.

Được biết, lần phân bổ SDR gần đây nhất của IMF là vào năm 2009, khi các nước thành viên nhận được 250 tỷ USD dự trữ SDR để giúp xoa dịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để sử dụng SDR, trước tiên các quốc gia sẽ phải đổi chúng lấy các đồng tiền cứng cơ bản, buộc các nước phải tìm một quốc gia đối tác sẵn sàng trao đổi.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top