Thế giới

IPCC: Đông Nam Á nằm trong số các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

ClockThứ Ba, 01/03/2022 13:15
TTH.VN - Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu và đặc biệt có nguy cơ mất các khu định cư và cơ sở hạ tầng do nước biển dâng, một báo cáo quy mô lớn vừa được công bố hôm qua (28/2) chỉ rõ.

Australia hỗ trợ các đối tác Đông Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậuĐông Nam Á có thể tổn thất 28 nghìn tỷ USD nếu không triển khai nhanh hành động khí hậuBiến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN

Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ảnh: Nhandan

Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết: “với sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra, trẻ em ngày nay ở Nam và Đông Nam Á sẽ phải chứng kiến những thiệt hại ngày càng tăng đối với các khu định cư ven biển và cơ sở hạ tầng do lũ lụt, được gây ra bởi mực nước biển dâng, với thiệt hại rất cao ở các thành phố Đông Á”.

Báo cáo cũng kết luận rằng nếu sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ nghiêm trọng hơn và một số thiệt hại sẽ không thể đảo ngược. Tuy nhiên, giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ có thể giúp thế giới tránh được các tác động khí hậu khắc nghiệt hơn, các nhà khoa học cho biết.

Chuyên gia về mực nước biển dâng Benjamin Horton từ Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết những ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng mực nước biển dâng sẽ được cảm nhận ở châu Á, do số lượng người sống ở các vùng trũng của lục địa này khá cao.

Ví dụ, Trung Quốc đại lục, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là những nơi có nhiều người sinh sống nhất trên những vùng đất được dự báo sẽ nằm dưới mực nước lũ ven biển trung bình hàng năm vào năm 2050, Giáo sư Horton cho biết. Sáu quốc gia này chiếm khoảng 75% trong số 300 triệu người trên đất liền phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương vào giữa thế kỷ này.

Báo cáo của IPCC cũng cho thấy rủi ro đối với các thành phố ven biển và các khu định cư dự kiến ​​sẽ tăng lên “ít nhất một bậc” vào năm 2100, nếu không có kế hoạch đáng kể nào để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Các mối đe doạ kép

Đáng lo ngại hơn, nước biển dâng không phải là mối đe dọa duy nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt.

Nhà khoa học khí hậu Winston Chow từ Đại học Quản lý Singapore, một trong những tác giả của báo cáo từ IPCC, cho biết ASEAN đã phải hứng chịu nhiều tác động liên quan đến biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng đô thị cũng như mất đa dạng sinh học và môi trường sống.

“Những tác động hiện tại này được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai, đặc biệt là khi nhiệt độ bề mặt toàn cầu vượt quá ngưỡng 1,5 độ C”, Tiến sĩ Chow cảnh báo.

Thế giới hiện đã nóng lên 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp. Ở mức độ này, một số tác động khí hậu đã hiển thị rõ rệt và được coi là gần như không thể đảo ngược trong một số hệ sinh thái tự nhiên, chẳng hạn như sự suy giảm lâu dài của các rạn san hô ở Biển Đông.

Tiến sĩ Chow cũng nói thêm rằng Trái đất ấm hơn có thể sẽ đồng nghĩa với việc các khu vực của ASEAN phụ thuộc vào nước từ băng tan - chẳng hạn như các thành phố dọc theo thượng nguồn sông Mekong - sẽ có thể bị giảm nguồn nước ngọt. Ngoài ra, năng suất cây trồng cũng có thể giảm nếu Trái đất ấm lên và các hiện tượng khác do khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy nhiệt đới có thể ảnh hưởng đến năng suất nhiều hơn nữa.

Thích ứng là điều cần thiết

Các nước cần có biện pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Baotintuc

Cũng theo Tiến sĩ Chow, nếu các thành phố và các quốc gia muốn giảm thiểu những rủi ro khí hậu nói trên, thì việc thích ứng là điều cần thiết để giảm thiểu tổn thất và thiệt hại trong tương lai.

Thích ứng đề cập đến các biện pháp mà các quốc gia có thể thực hiện để giảm tác động của các sự kiện do khí hậu gây ra đối với xã hội, trong khi tổn thất và thiệt hại là một thuật ngữ đề cập đến các tác động khí hậu mà xã hội hiện đang phải gánh chịu mà không thể, hoặc chưa thể, giảm bớt bởi những nỗ lực thích ứng.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của IPCC cho thấy đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa các hành động thích ứng được thực hiện và những gì cần thiết để đối phó với những rủi ro ngày càng tăng, nhất là giữa các nhóm dân số có thu nhập thấp.

IPCC cho biết, tại châu Á, những trở ngại đối với việc thích ứng với khí hậu bao gồm quản trị một cách manh mún, thiếu tài chính và chưa xác định đúng các hành động cần ưu tiên. 

Mặc dù vậy, IPCC vẫn nhấn mạnh rằng việc thích ứng sớm là rất quan trọng để giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương đối phó với các tác động của khí hậu.

Một báo cáo do Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) công bố vào tháng 11 năm ngoái cho thấy dù ngày càng có nhiều kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng việc cung cấp tài chính và thực hiện các sáng kiến ​​này vẫn còn chậm trễ.

Báo cáo đó cũng ước tính rằng chi phí để thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển cao hơn từ 5-10 lần so với quỹ công hiện có cho các chương trình.

Như IPCC nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất, để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với xã hội, việc thích ứng phải đi đôi với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN News & Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top