Các binh sĩ tham gia tìm kiếm tại hiện trường vụ sập cầu treo. AFP
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường và hơn 130 người đã được cứu. Hàng chục binh sĩ thuộc lục quân và hải quân Ấn Độ tham gia đội cứu hộ.
Các quan chức và truyền thông địa phương cho biết có hơn 500 người trên cầu lúc xảy ra tai nạn và nhiều người đã rơi xuống sông. Cây cầu treo dài 230 m được xây dựng từ thế kỷ 19, bắc qua sông Machhu tại thị trấn Morbi, theo Reuters. Nhà chức trách đã cấm người đi qua trong 6 tháng để sửa chữa và mới thông cầu trở lại vào tuần trước.
Một nhân chứng nói với truyền thông địa phương rằng người dân đã đổ đến cây cầu để tham gia một lễ hội, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ.
Cây cầu được xây dựng vào thế kỷ 19 và mới được sửa chữa. AFP
Đài NDTV đưa tin cây cầu được khánh thành trở lại sau nhiều tháng sửa chữa dù không có chứng nhận an toàn.
Nhà chức trách đang tính ngừng xả nước tại con đập gần đó và dùng máy bơm để bơm nước khỏi khu vực hiện trường nhằm đẩy nhanh chiến dịch tìm kiếm.
Thi thể các nạn nhân vụ sập cầu treo được đặt tại một bệnh viện ở Morbi. AFP
Thủ tướng Narendra Modi, người cũng đang có mặt tại bang quê hương Gujarat, đã chỉ thị lãnh đạo bang huy động lực lượng cứu hộ khẩn cấp và chi hỗ trợ cho các nạn nhân tử vong và bị thương trong vụ việc.
Đây là một trong số nhiều vụ sập cầu tại Ấn Độ trong những năm qua. Năm 2016, một cây cầu vượt bắc qua một con đường đông đúc ở thành phố miền đông Kolkata bị sập làm cho ít nhất 26 người thiệt mạng. Tháng 10.2011, một cây cầu khác cũng bị sập tại thị trấn Darjeeling ở vùng đông bắc Ấn Độ do có quá nhiều người đến tham gia lễ hội. Hậu quả là ít nhất 32 người thiệt mạng. Khoảng 1 tuần sau đó, một cây cầu bắc qua sông ở bang Arunachal Pradesh bị sập làm 30 người thiệt mạng.
Theo Thanh Niên