|
Các nước phải cùng nhau thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ |
Theo các chuyên gia, chuyển đổi năng lượng sạch là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững. 10 năm tới sẽ là giai đoạn đột phá cho quá trình chuyển đổi như vậy trên phạm vi toàn cầu. Do đó, các quốc gia phải nỗ lực hạn chế khí thải carbon và hướng tới mục tiêu cắt giảm đáng kể lượng khí thải này vào năm 2035.
Tổng thư ký điều hành Tổ chức Khí tượng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kết nối Năng lượng Toàn cầu (GEIDCO) Cheng Zhiqiang cho biết, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn khiến hơn 600 triệu người không được tiếp cận điện, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn còn khá chậm khi năng lượng hóa thạch chiếm hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Cùng với đó là chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rào cản kỹ thuật cũng cản trở sự tiến bộ của ngành năng lượng mới.
Một vấn đề đặt ra là kinh phí cho kế hoạch là rất lớn, nhưng nó không chảy vào các nước nghèo. Về vấn đề này, chính sách tài chính nên được điều chỉnh theo quan điểm toàn cầu, Chủ tịch Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDSN), Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia Jeffrey Sachs cho biết.
Trong bài phát biểu quan trọng, Vua Letsie III của Vương quốc Lesotho tuyên bố: “Chúng ta phải đối mặt trực diện với thực tế và chuyển hướng sang năng lượng tái tạo như nền tảng của nền kinh tế quốc gia để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào kiều hối từ lao động di cư, hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương”.
Đồng tình với quan điểm của Vua Letsie III, Chủ tịch GEIDCO Xin Baoan cho biết, sự phát triển của năng lượng tái tạo phải vạch ra con đường hướng tới lợi ích của càng nhiều quốc gia càng tốt, duy trì tính toàn diện và sạch, cũng như được điện khí hóa và số hóa. Chủ tịch Xin Baoan nhấn mạnh: “Năng lượng sạch là năng lượng của tương lai. Nó giúp hành tinh của chúng ta tránh khỏi nguy cơ bị phá hủy”.
Thông tin được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cung cấp chỉ ra rằng, lần đầu tiên vào năm 2024, đầu tư năng lượng toàn cầu dự kiến vượt qua 3 nghìn tỷ USD, với 2 nghìn tỷ trong số này là dành cho công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Từ năm 2020, đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng tốc đáng kể và chi tiêu cho năng lượng tái tạo, lưới điện và lưu trữ hiện cao hơn tổng chi tiêu cho dầu, khí đốt và than.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed khẳng định: “Năng lượng tái tạo hiện chiếm hơn 29% sản lượng điện toàn cầu. Song con số này phải đạt gần 60% vào năm 2030 để duy trì mục tiêu 1,5oC. Mặc dù năm 2023 chứng kiến mức đầu tư kỷ lục vào năng lượng tái tạo nhưng tổng mức đầu tư hàng năm trên toàn cầu sẽ phải tăng gấp 3 lần, lên 4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, trong đó cần 1,7 nghìn tỷ USD cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Trước tình hình như hiện nay, tuyên bố về Năng lượng Tương lai kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau hợp tác để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng tương lai và đạt được sự phát triển bền vững cho toàn nhân loại.