Số ca nhiễm COVID-19 tăng khiến hầu hết các nền kinh tế khó phục hồi tăng trưởng. Ảnh minh họa: AP/Ấn phẩm Thời nay
Được biết, đa số các nhà kinh tế đều dự kiến rằng sự phục hồi trong năm tới thậm chí sẽ yếu hơn so với những dự đoán đã đưa ra trước đây.
Theo đó, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đã cam kết đưa ra các gói kích thích hàng nghìn tỷ USD nhằm giúp hầu hết các nền kinh tế thoát khỏi suy thoái sâu. Tuy nhiên, một đợt dịch thứ hai đang xuất hiện trở lại tại các nước vốn đã nới lỏng hạn chế, dẫn đến nhiều biện pháp phòng dịch hơn phải được triển khai. Đây được xem là rủi ro hàng đầu, tiếp tục được nêu lên trong các cuộc khảo sát của Reuters.
Các cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ của Reuters được tiến hành khảo sát trên 46 nền kinh tế đã cho thấy, rất ít dấu hiệu rằng sẽ sớm có sự phục hồi như trước khi đại dịch xảy ra.
Gần ¾ trong số 150 nhà phân tích trả lời một câu hỏi bổ sung cho biết, sự bùng phát trở lại của các trường hợp nhiễm COVID-19 có nguy cơ cao sẽ ngăn chặn sự phục hồi kinh tế toàn cầu như hồi đầu năm nay.
Janet Henry, Chuyên gia Kinh tế trưởng toàn cầu của HSBC cho biết: “Ngay cả trước khi các lệnh phong tỏa được gia hạn, nhiều quốc gia cũng sẽ thấy mức GDP thấp hơn so với những gì họ có thể đạt được nếu không có đại dịch xuất hiện. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nợ nhiều hơn là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra cũng xuất hiện tác động tới sự bình đẳng, tiềm năng tăng trưởng dài hạn và ổn định tài chính”.
Dự báo tăng trưởng trung bình cho hơn 65% trong số 46 nền kinh tế được khảo sát đã bị tụt hạng, hoặc không thay đổi vào năm 2020. Gần 60% các nước có dự báo tăng trưởng thậm chí không thay đổi cho năm 2021.
Stefan Koopman, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Rabobank cho biết: “Đối với các nền kinh tế, đây thật sự là một chuyến tàu lượn siêu tốc. Cụ thể là từ sự thiếu hiểu biết và phủ nhận trong Quý I, đến bế tắc và suy thoái kinh tế trong Quý II và sự thúc đẩy hoạt động kinh tế phục hồi trong Quý III. Thật không may, Quý IV cũng đi kèm với những thách thức mới về đại dịch. Về mặt kinh tế, chúng ta có thể chịu đựng thêm 6 tháng, hoặc hơn trước khi vaccine có thể giúp giảm số ca nhiễm. Đặc biệt là các nền kinh tế có thể sẽ phải đối mặt với những mệt mỏi về các biện pháp kích thích bù đắp”.
Bất chấp những kỳ vọng về biện pháp kích thích tiền tệ ở khu vực đồng Euro, Anh, Mỹ, triển vọng kinh tế vẫn sụt giảm. Cùng lúc các thị trường mới nổi khác cũng sẽ gặp khó khăn trong năm nay và năm sau. Điều này được Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Barclays Ajay Rajadhyaksha nhấn mạnh: Nhìn chung, các nền kinh tế mới nổi không còn lợi thế tăng trưởng so với các nền kinh tế tiên tiến.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Reuters)