|
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 năm 2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch MSC Christoph Heusgen bày tỏ hi vọng rằng những người tham gia sẽ tìm được cơ hội tốt trong các cuộc thảo luận bàn về thách thức an ninh cấp bách trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng.
Các xung đột đang diễn ra bao gồm khủng hoảng ở Ukraine và xung đột Israel - Hamas sẽ được thảo luận tại hội nghị kéo dài 3 ngày này.
Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres cho biết trong bài phát biểu của mình rằng trật tự toàn cầu hiện nay không có lợi cho tất cả mọi người. Cộng đồng toàn cầu đang bị phân mảnh và chia rẽ hơn bao giờ hết trong 75 năm qua. Ngoài ra, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân, khủng hoảng khí hậu và những rủi ro bắt nguồn từ Trí tuệ nhân tạo.
Về ấn bản năm nay của Báo cáo An ninh Munich, ông Antonio Guterres cho biết, báo cáo sẽ cảnh báo về động lực mà trong đó đôi bên đều không có lợi (lose - lose) của tương tác giữa các chính phủ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng và sự bất ổn kinh tế cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Báo cáo lưu ý, tâm lý ưu tiên những lợi ích tương đối có thể thúc đẩy cho động lực này. Trước tình hình này, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng quản trị toàn cầu theo hình thức hiện tại đang gây ra sự chia rẽ sâu sắc và cả sự bất mãn. Do đó, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp dựa trên công lý, với sự khẩn trương và đoàn kết mới.
Trong một diễn biến có liên quan, Tobias Bunde, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Hertie ở Berlin, Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Hội nghị An ninh Munich nhận định, nếu cộng đồng quốc tế từng đi đúng hướng để hướng tới một trật tự toàn cầu hòa bình và công bằng hơn, thì đó là vào những năm đầu hậu Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế từ lâu đã lấn át sự lạc quan và tham vọng của thời kỳ đó.
Để giải quyết vấn đề này, cộng đồng quốc tế cần phải ngăn chặn nỗi lo sợ về những kết quả bất bình đẳng đang phổ biến trong các cuộc tranh luận chính sách. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các mối quan hệ đối tác mới, dựa trên hợp tác đôi bên cùng có lợi và cải cách trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để đảm bảo rằng lợi ích được chia sẻ rộng rãi. Bằng không, các quốc gia sẽ rơi vào thế cạnh tranh xem ai là người “ít bị thua thiệt hơn”.
Đan Lê (Tổng hợp và lược dịch từ Xinhua Net & Korea Herald)