Thế giới

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Người tiêu dùng đối mặt với mùa đông khó khăn phía trước

ClockThứ Năm, 27/10/2022 11:09
TTH.VN - Châu Âu đang chạy đua để tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông - thời điểm thường tiêu thụ nhiều năng lượng hơn – đang đến gần. Nhiều chuyên gia cho rằng EU có thể sẽ vượt qua được khủng hoảng, nhưng vẫn phải gánh chịu một số “tổn thương” về kinh tế và xã hội.

Các bộ trưởng năng lượng EU đạt thỏa thuận về mua chung khí đốtEU kêu gọi hỗ trợ người tiêu dùng trong cuộc khủng hoảng năng lượngEU đề xuất 40 tỷ euro giúp giảm thiểu tác động từ giá năng lượng tăngNhiều nước Liên minh châu Âu thúc đẩy thỏa thuận chia sẻ khí đốt

Người dân châu Âu có thể sẽ đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt do cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Thanhnien

Cô Aurelie Ribay, chủ một cửa tiệm bán bánh mì tươi và bánh ngọt tại một góc phố ở phía bắc Paris, đã cảm nhận được “sức nóng” từ việc chi phí sinh hoạt tăng cao trong những tháng gần đây.

Hoá đơn điện của cô đã tăng 10% kể từ mùa hè và cô lo ngại rằng khi chi phí tiện ích tăng lên, giá bánh mì - mặt hàng chủ lực quốc gia của Pháp - cũng có thể phải tăng theo.

Các quốc gia ở châu Âu đang phải đối mặt với sự bất an ngày càng tăng, khi họ chuẩn bị bước vào mùa đông ở Bắc bán cầu. Giá cả tăng vọt ở các nguồn năng lượng khác nhau, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng - những người đã phải chật vật đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng và chi phí tiện ích leo thang.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết châu lục này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga. “Phần lớn khí đốt và một phần đáng kể dầu mỏ của châu Âu chỉ đến từ một quốc gia duy nhất, đó là Nga”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.

Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine, các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga đang dần suy giảm, và các nước châu Âu đã phải vật lộn để tìm ra các giải pháp thay thế.

Trước giai đoạn lạnh giá nhất trong năm, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng khi thời điểm thường tiêu thụ năng lượng cao hơn đến gần. Ở châu Âu, việc sử dụng năng lượng để sưởi ấm và chiếu sáng thường tăng mạnh trong tháng 12 và tháng 1 hằng năm.

Phát biểu trong Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore đang diễn ra, Tiến sĩ Birol nói rằng châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay, mặc dù hơi khó chịu, nếu thời tiết vẫn ôn hòa.

Tại Pháp, hàng nghìn người đã tuần hành trên phố trong những tuần gần đây để kêu gọi nhiều sự hỗ trợ hơn về tài chính cho cộng đồng.

Theo bà Lucile Buisson - người đứng đầu bộ phận năng lượng của tổ chức quyền lợi người tiêu dùng Pháp UFC-Que Choisir, vì cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra trên quy mô toàn cầu, nên việc chi phí gia tăng ở một quốc gia này có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở một quốc gia khác.

“Ở Pháp, chúng tôi được bảo vệ bằng năng lượng hạt nhân và sự độc lập về năng lượng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi nhận ra rằng năng lượng của chúng tôi, cũng giống như của các nước châu Âu khác, đã được đưa ra thị trường… Vì vậy, giá sẽ tăng lên khi chúng có liên quan đến căng thẳng năng lượng ở các nước khác, như thị trường châu Âu”, bà Buisson nói thêm.

Trước mùa đông, Pháp đã hoàn thành việc đổ đầy các bể chứa khí đốt của mình, nhưng buộc phải mở lại một nhà máy nhiệt điện than để tăng công suất.

Chính phủ nhiều nước EU kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng trong mùa đông sắp tới. Ảnh: AFP/TTXVN

Các biện pháp tiết kiệm năng lượng

Hồi tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo về một mùa đông khó khăn sắp tới. Kể từ đó, chính phủ nước này đã công bố một kế hoạch an toàn về năng lượng nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của đất nước xuống 10% trong vòng 2 năm. Các biện pháp bao gồm kêu gọi công chúng cắt giảm mức tiêu thụ của họ, như tắt nước nóng và đèn chiếu sáng nếu có thể, và thậm chí tắt hệ thống sưởi khi chưa thực sự cần thiết.

Các nước khác ở châu Âu cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung và chi phí tăng cao.

Ví dụ, Đức đã phải chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất từ việc siết chặt nguồn cung năng lượng, khi quốc gia này đang cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Chính phủ Đức đã phải ký một thỏa thuận với Pháp để cung cấp điện cho Paris, nếu Pháp giúp đỡ về nguồn cung khí đốt.

Ở quy mô trong nước, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho mùa đông cũng đã được Chính phủ Đức đưa ra để khuyến khích người dân hạn chế sử dụng hệ thống chiếu sáng và sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng.

Theo nhà phân tích an ninh năng lượng Annabelle Livet của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược, gói tiết kiệm năng lượng trong mùa đông được Berlin công bố có quy mô chưa từng có. Tuy vậy, bà cho rằng dù có quy mô lớn, nhưng nó phù hợp với cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến nước Đức.

“Không giống như Pháp, Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt, đặc biệt là khí đốt của Nga. Nước này thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay”, bà Livet nói. Và như vậy, những gì sắp xảy ra là Đức có thể đối mặt với một cú sốc kép, khi cú sốc năng lượng tinh khiết cũng có thể chuyển thành một cú sốc công nghiệp.

Trong bối cảnh chính phủ các nước đang phải chạy đua tìm kiếm các giải pháp để giải quyết tình hình năng lượng khó khăn hiện nay, người dân châu Âu cũng đang chuẩn bị tinh thần cho một mùa đông có thể sẽ khắc nghiệt hơn.

Đối với cô Ribay, áp lực về giá đối với công việc kinh doanh bánh mì của cô là điều đáng lo ngại.

“Tôi có thể cảm nhận được điều đó từ khách hàng của mình vì họ mua hàng ít hơn… Đó là một mối bận tâm, một nỗi lo lắng đối với tất cả mọi người. Tôi có thể cảm nhận được điều đó mỗi ngày”, cô nói thêm.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2/3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất

Theo báo cáo mới của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chỉ 1/3 các vùng mặt nước của châu Âu có chất lượng tốt, trong khi nhiều sông, hồ và vùng nước ven biển của khu vực này “bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hóa chất”. Ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than và thuốc trừ sâu từ nông nghiệp được xem là hai trong số những “thủ phạm chính”.

2 3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất
Châu Âu cần nâng cao vai trò trong quan hệ EU - ASEAN

Cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh mới nhất của Liên minh châu Âu - ASEAN chỉ ra rằng 59% doanh nghiệp châu Âu cảm thấy EU không đóng góp vào việc hỗ trợ lợi ích của họ ở Đông Nam Á, đánh dấu mức độ không hài lòng cao nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện vào năm 2015.

Châu Âu cần nâng cao vai trò trong quan hệ EU - ASEAN
Châu Âu lo ngại về sự suy thoái

Châu Âu đang ngày càng gần với suy thoái khi các nền kinh tế lớn nhất gồm Đức và Pháp đang phải vật lộn với những khó khăn cả về chính trị và kinh tế trong nước.

Châu Âu lo ngại về sự suy thoái
Return to top