Người dân Ấn Độ đứng chờ lấy nước ở một giếng nước ngầm. Ảnh: DW/Nhandan
Mặc dù nước bao phủ đến hơn 70% bề mặt Trái đất nhưng chỉ có chưa tới 1% trong đó là nước ngọt có thể tiếp cận và sử dụng được, phần lớn nằm ở các vùng đất ngập nước như sông, hồ, đầm lầy, đất than bùn và các tầng chứa nước ngầm… Bằng cách thu giữ, lọc sạch và lưu trữ nước mưa và nước lũ trước khi xả ra khi cần, chúng cho phép chu trình nước toàn cầu đảm bảo nguồn cung cấp liên tục.
Trên toàn thế giới, việc tích hợp đầy đủ các vùng đất ngập nước vào quy hoạch và quản lý nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ mang lại những lợi ích sâu rộng. Cung cấp đủ nước có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm xung đột và giảm căng thẳng về môi trường. Nhưng điều đó đòi hỏi phải được đầu tư bền vững để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.
Báo cáo cho thấy, nhu cầu sử dụng nước sạch trên toàn thế giới đã tăng gấp 6 lần trong 100 năm qua và đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1%/năm kể từ những năm 1980, trong đó nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng chiếm 90% tổng số. Ước tính đến năm 2050, sẽ cần thêm ít nhất 55% lượng nước để đáp ứng nhu cầu do tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và dân số toàn cầu gần 10 tỷ người.
Hiện tại, lượng nước trung bình cho mỗi người ít hơn đáng kể so với 20 năm trước. Kết quả là, hơn 3 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, thường gây ra xung đột bạo lực. Đến năm 2050, hơn một nửa dân số thế giới được cho là sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, và ở những vùng khô hạn, biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước ngọt.
Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu chỉ là một trong các mối đe dọa cần chú ý. Ô nhiễm cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước. Nước uống không an toàn có thể gây tử vong cho người dân trên thế giới. Hầu như tất cả các nguồn nước ngọt hiện nay đều bị ô nhiễm ở một mức độ nào đó; thậm chí nước trên đỉnh Everest cũng không ngoại lệ. Do vậy, con người cần phải tiết kiệm và bảo vệ các vùng đất ngập nước.
Xét về tác động, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp khủng hoảng nước là 1 trong 5 rủi ro toàn cầu hàng đầu hiện nay. Mặc dù các vùng đất ngập nước cung cấp phần lớn nước ngọt cho chúng ta, nhưng gần 90% diện tích đất ngập nước đã biến mất kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, và tổn thất này đang ngày càng gia tăng cùng với quá trình toàn cầu hóa. Nhiều vùng đất ngập nước còn lại cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Bảo vệ các vùng đất ngập nước
Để đảm bảo nguồn cung cấp nước an toàn, chắc chắn và đầy đủ, cần tập trung vào mối liên hệ giữa sự phụ thuộc của con người vào nước và những gì con người đang làm đối với các vùng đất ngập nước.
Thực ra, vẫn có những lựa chọn khác để tăng nguồn cung cấp nước, nhưng không có lựa chọn nào là lý tưởng. Khử muối trong nước biển tạo ra nhiều vấn đề hơn là những gì nó có thể giải quyết được. Hay việc xây dựng hàng loạt các nhà máy lấy nước đòi hỏi phải đầu tư rất lớn và thường làm gián đoạn nền kinh tế và lối sống của người dân địa phương.
Hơn nữa, những lựa chọn này hoàn toàn không thể đảm nhận được vai trò của các vùng đất ngập nước khi chúng không thể đồng thời cung cấp thực phẩm, thuốc men, thu nhập cho 1/7 dân số thế giới và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu như các vùng đất ngập nước.
Với một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái, việc bảo vệ các vùng đất ngập nước nên là ưu tiên hàng đầu trong việc tạo ra sự phục hồi xanh sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo các nhà nghiên cứu, chúng ta phải suy nghĩ lại và cải tổ nông nghiệp, lĩnh vực vẫn đang tiêu thụ lượng nước lớn nhất hiện nay. Khuyến khích sản xuất thâm canh không quan tâm đến đất ngập nước, ô nhiễm nước và đa dạng sinh học nên được nhanh chóng loại bỏ. Sáng kiến Quản lý Đất Môi trường mới của Anh là một điển hình đáng cân nhắc khi khen thưởng những nông dân tập trung vào quản lý nguồn nước và bảo tồn đất ngập nước như những trụ cột trong việc quản lý đất đai của họ.
Các chương trình tương tự cũng nên được mở rộng trên toàn cầu. Không chỉ nông nghiệp, các ngành công nghiệp cũng phải đẩy mạnh việc bảo tồn và sử dụng nguồn nước hiệu quả. Rõ ràng ngày nay, sự sống còn của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào môi trường tự nhiên trong lành.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The ASEAN Post)