Một cánh đồng ở Australia trở nên khô hạn do nắng nóng kéo dài. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, tốc độ không ngừng của biến đổi khí hậu đang phá hoại cuộc sống, khi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ cho biết, giai đoạn từ năm 2011-2020 là thập kỷ nóng nhất lịch sử.
Đáng chú ý, 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận là các năm 2016, 2019 và 2020, với sự khác biệt giữa các năm về mức nhiệt độ trung bình toàn cầu là rất nhỏ, khó có thể phân biệt. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2020 được ghi nhận ở mức khoảng 14,9 độ C, cao hơn 1,2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (từ năm 1850-1900).
Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: “Xác nhận của WMO rằng năm 2020 là một trong những năm nóng nhất lịch sử là một lời nhắc nhở mạnh mẽ khác về tốc độ không ngừng của biến đổi khí hậu, đang phá hoại cuộc sống và sinh kế trên khắp hành tinh. Hiện nay, nhiệt độ đang ấm lên ở mức 1,2 độ C và thời tiết khắc nghiệt chưa từng có đã được chứng kiến ở mọi khu vực và trên mọi lục địa. Chúng ta đang hướng tới mức tăng nhiệt thảm họa từ 3-5 độ C trong thế kỷ này”.
WMO cho biết thêm, các đặc điểm thời tiết nổi bật của năm 2020 là nắng nóng kéo dài, cháy rừng ở Siberia, lượng băng biển ở Bắc Cực thấp, và mùa bão Đại Tây Dương phá kỷ lục.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ CNA & AFP)