Rác thải nhựa tái chế trong một bãi tập kết rác thải ở Costa Rica. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nhựa được tìm thấy trong băng biển ở Bắc Cực, bụng của cá voi và bầu khí quyển của Trái đất, và các Chính phủ đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đoàn kết để hành động chống lại thảm họa toàn cầu này.
Các nhà đàm phán đang xây dựng khuôn khổ cho một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý về nhựa, mà các nhà ngoại giao nhận định là một hiệp ước môi trường tham vọng nhất, kể từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đạt được hồi năm 2015.
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng Thông tấn AFP trong tuần này, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) cho rằng: "Đây là một khoảnh khắc trọng đại, một thành quả nổi bật".
Tuy nhiên, phạm vi chính xác của hiệp ước này vẫn chưa được xác định. Các đề xuất đang được soạn thảo trước thềm hội nghị thượng đỉnh về môi trường của Liên Hiệp quốc (LHQ); sự kiện sẽ bắt đầu từ ngày mai (28/2) tại Nairobi và kéo dài trong 3 ngày.
Được biết, các nhà lãnh đạo thế giới và các Bộ trưởng Môi trường sẽ nhóm họp thông qua cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, dự kiến sẽ khởi động quá trình hiệp ước bằng cách chỉ định một ủy ban đàm phán, nhằm hoàn thiện các chi tiết chính sách trong 2 năm tới.
Kể từ những năm 1950, tốc độ sản xuất nhựa đã phát triển nhanh hơn so với bất kỳ loại vật liệu nào khác, vượt xa những nỗ lực quốc gia nhằm giữ cho môi trường trong sạch. Ngày nay, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương với trọng lượng của dân số thế giới, được thải ra môi trường hàng năm. Đáng chú ý, chưa đến 10% trong số đó được tái chế, và hầu hết được đưa vào các bãi rác hoặc đổ xuống các đại dương.
Theo một số ước tính, lượng rác thải nhựa bằng một chiếc xe tải rác được đổ xuống biển mỗi phút, làm bóp nghẹt các sinh vật biển và các đường bờ biển trên toàn cầu. Trong khi đó, các hạt nhựa siêu nhỏ cũng có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn, và cuối cùng đi vào chế độ ăn uống của con người.
Hồi tháng 10 năm ngoái, hàng chục tập đoàn lớn bao gồm Coca-Cola và Unilever cho biết, một hiệp ước về nhựa với những mục tiêu ràng buộc đóng vai trò "rất quan trọng để thiết lập một tiêu chuẩn hành động chung mạnh mẽ cho tất cả các quốc gia tuân theo".
Trong một động thái liên quan, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhận định: “Tôi nghĩ, thế giới đã sẵn sàng cho một sự thay đổi...”.
Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)