Năng lượng mặt trời được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất. Ảnh: Kingsolar
Báo cáo thường niên về năng lượng tái tạo và việc làm năm 2022 cho thấy quy mô thị trường trong nước là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bên cạnh các yếu tố khác như lao động và chi phí…
Năng lượng mặt trời phát triển nhanh nhất
Năng lượng mặt trời được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất khi cung cấp 4,3 triệu việc làm trong năm 2021, chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động toàn cầu hiện có trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Với những lo ngại gia tăng về biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng và quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19, các quốc gia đang hướng về việc thúc đẩy tạo việc làm cho thị trường lao động trong nước, tập trung vào các chuỗi cung ứng địa phương.
Theo báo cáo, các thị trường nội địa mạnh mẽ chính là chìa khóa để duy trì động lực hướng tới công nghiệp hóa năng lượng sạch, đồng thời, phát triển khả năng xuất khẩu công nghệ tái tạo cũng phụ thuộc vào điều này.
Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO, còn cho biết “ngoài những con số về số lượng việc làm được tạo ra, thì chất lượng việc làm và điều kiện làm việc trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng, nhằm đảm bảo việc làm có năng suất và hiệu quả”. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ việc làm giành cho nữ giới ngày càng tăng cho thấy rằng các chính sách và đào tạo chuyên dụng có thể làm gia tăng đáng kể sự tham gia và hoà nhập của phụ nữ vào các ngành năng lượng tái tạo, để rồi từ đó, đạt được sự chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người.
Trong khi đó, Tổng giám đốc IRENA Francesco La Camera cho rằng khi đối mặt với nhiều thách thức, “các việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn có khả năng phục hồi và đã được chứng minh là một động cơ tạo việc làm đáng tin cậy”. Theo ông, việc thúc đẩy chuỗi giá trị nội địa sẽ không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm mới cho người dân và cộng đồng địa phương mà nó còn giúp tăng cường độ tin cậy của chuỗi cung ứng và góp phần vào an ninh năng lượng tổng thể.
Cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo
Báo cáo cho thấy ngày càng nhiều quốc gia đang tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, gần 2/3 trong số đó là ở châu Á.
Cụ thể, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 42% tổng sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu, tiếp theo là EU và Brazil với 10% mỗi nơi, trong khi Mỹ và Ấn Độ chiếm 7% mỗi nước.
Đặc biệt, các nước Đông Nam Á đang trở thành các trung tâm sản xuất quang điện mặt trời (PV) và nhà sản xuất nhiên liệu sinh học quy mô lớn, trong khi Trung Quốc là nhà sản xuất và lắp đặt các tấm pin mặt trời nổi tiếng và đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.
Ở Ấn Độ, năng lượng tái tạo đã cung cấp hơn 10 Gigawatts điện mặt trời, tạo ra nhiều công việc lắp đặt, nhưng nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào các tấm pin nhập khẩu.
Châu Âu hiện chiếm khoảng 40% sản lượng điện gió của thế giới và là nhà xuất khẩu thiết bị điện gió quan trọng nhất, đồng thời, khu vực này cũng đang cố gắng phục hồi lại ngành sản xuất điện mặt trời.
Vai trò của châu Phi trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, nhưng báo cáo chỉ ra rằng ngày càng có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phi tập trung, trong khi châu Mỹ, Mexico là nhà cung cấp cánh tuabin gió hàng đầu.
Brazil vẫn là nhà tuyển dụng lao động hàng đầu trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, và cũng đang bổ sung thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực lắp đặt điện gió và năng lượng mặt trời. Mỹ cũng đang bắt đầu xây dựng các cơ sở công nghiệp trong nước cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi mới chớm nở.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)