Ảnh minh họa: Dailymail
Lisa Gilbert là một nhà quản lý dịch vụ cho vay tại Ngân hàng Charity phía Tây Nam nước Anh. Cô miêu tả lịch trình làm việc mới của mình là một điều phi thường.
“Tôi có thể thực sự tận hưởng cuối tuần một cách trọn vẹn vì tôi có thứ 6 làm việc nhà hay những việc lặt vặt khác. Tôi có thể đưa mẹ đi dạo mà không cảm thấy tội lỗi”, Lisa chia sẻ với CNN Business.
Lisa có con trai và cha mẹ già cần chăm sóc. Thêm ngày nghỉ đồng nghĩa với việc cô không phải dậy từ 6h sáng ngày thứ Bảy để đi siêu thị mà thay vào đó là có thêm thời gian cho gia đình.
Chương trình thí điểm mô hình làm việc 4 ngày/tuần được triển khai tại 70 công ty, với sự tham gia của 3.300 nhân viên ở Anh. Họ sẽ được phép làm 80% số ngày trong tuần nhưng đổi lại là cam kết duy trì 100% năng suất lao động. Chương trình do viện nghiên cứu phi lợi nhuận 4 Day Week Global phối hợp với các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học Cambridge, Oxford, Boston thực hiện.
Các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá tác động từ mô hình làm việc mới lên năng suất lao động, bình đẳng giới, môi trường làm việc cũng như sức khỏe của người lao động. Đến cuối tháng 11, các công ty có thể tự quyết định xem liệu có tiếp tục áp dụng mô hình mới này hay không.
Không có một sự chuyển giao nào mà không gặp khó khăn.
Samantha Losey, giám đốc điều hành tại công ty truyền thông Unity ở London, cho biết tuần đầu tiên áp dụng mô hình mới đã gây ra hỗn loạn vì nhóm của cô chưa chuẩn bị cho tuần làm việc bị rút ngắn.
“Thú thật mà nói, hai tuần đầu tuần là một mớ hỗn độn. Chúng tôi rơi vào tình trạng không biết phải làm gì. Tôi đã nghĩ mình phạm phải sai lầm lớn”, Losey nói.
Nhưng nhanh chóng, nhóm của cô đã tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Hiện, công ty cấm các họp nội bộ dài hơn 5 phút, giới hạn các cuộc gặp khách hàng chỉ trong 30 phút và giới thiệu hệ thống đèn giao thông để ngăn những yêu tố gây nhiễu không cần thiết. Mỗi một nhân viên sẽ được gắn một cái đèn trên bàn, đèn xanh có nghĩa là họ vui vẻ tiếp chuyện bạn, đèn vàng là họ đang bận nhưng vẫn có thể nói chuyện, còn đèn đỏ là họ không muốn bị làm phiền.
Đến tuần thứ 4, Losey cho hay nhóm của mình đã hoàn thành các mục tiêu song thừa nhận vẫn có khả năng công ty cô quay về lịch trình làm 5 ngày/tuần như cũ.
“Vẫn có 25% chúng tôi không áp dụng mô hình mới, nhưng các nhân viên đều đang nỗ lực để thuyết phục công ty duy trì”, nữ giám đốc chia sẻ.
Phù hợp với thế kỷ 21
Tính đến tháng trước, Iceland đã triển khai dự án thí điểm mô hình tuần làm việc 4 ngày lớn nhất thế giới. Từ năm 2015 đến năm 2019, quốc gia này đã áp dụng mô hình đối với 2.500 công nhân viên chức chia làm 2 giai đoạn. Kết quả từ những lần thí điểm đó là năng suất lao động không giảm.
Gary Conroy, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của 5 Squirrels, một nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc da ở bờ biển phía Nam nước Anh, đã áp dụng "thời gian làm việc chuyên sâu" để đảm bảo nhân viên duy trì năng suất.
Trong hai tiếng buổi sáng và hai tiếng buổi chiều, nhân viên của Conroy không cần nhận thư điện tử, điện thoại hay tin nhắn của nhóm mà chỉ tập trung vào dự án họ đảm nhiệm.
"Toàn bộ nơi làm việc giống như một thư viện. Mọi người chỉ cúi đầu xuống và làm việc”, Conroy cho hay.
Theo khảo sát của một công ty phần mềm, người lao động ở Mỹ tiết lộ họ dành khoảng 58% thời gian trong ngày cho các hoạt động như trả lời thư điện tử và tham gia các cuộc họp, thay vì làm công việc mà họ được tuyển dụng.
Conroy cho biết các cuộc họp tại công ty giờ được giới hạn trong 30 phút và chỉ được phép diễn ra ngoài thời gian làm việc chuyên sâu. Kết quả đã vượt quá sự mong đợi của mọi người.
Thêm ngày nghỉ đã tạo cơ hội cho nhiều người lao động làm quen với những sở thích mới, thực hiện những ước mơ từ lâu hoặc đơn giản là dành nhiều thời gian hơn cho các mối quan hệ. Người lao động trong đợt thí điểm tại Anh đã tham gia các lớp học nấu ăn, học piano, tình nguyện, câu cá và chèo thuyền.
Đối với Emily Morrison tại công ty Unity, mô hình làm việc mới giúp cô chữa khỏi căn bệnh lo lắng đã đeo bám phần lớn cuộc đời trưởng thành.
“Sức khỏe tinh thần của tôi được cải thiện. Tôi bước vào tuần làm việc mới với thái độ tích cực hơn, thay vì căng thẳng như trước”, Emily miêu tả.
Sau hơn hai năm sống trong đại dịch, sức chịu đựng của người lao động dường như đã chạm giới hạn. Một cuộc khảo sát của McKinsey với 5.000 công nhân toàn cầu vào năm ngoái cho thấy gần một nửa trong số đó cảm thấy kiệt sức.
Losey cho biết lý do chính mà cô quyết định đăng ký Unity vào chương trình thí điểm là nhằm bù đắp cho tình trạng kiệt sức mà nhân viên cấp dưới trải qua trong thời kỳ đỉnh dịch.
Mark Howland, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Ngân hàng Charity Bank, thì lại dành ngày nghỉ để cải thiện sức khỏe bản thân.
“Với ngày nghỉ thêm, tôi đạp xe với quãng đường xa, chăm sóc bản thân, đi chơi và dành cả cuối tuần cho gia đình. Tuần làm việc 5 ngày là một khái niệm của thế kỷ 20, không còn phù hợp với thế kỷ 21”, Howland nói trước đây anh luôn muốn thực hiện nhiều việc song không muốn các công việc đó chiếm thời gian cho gia đình.
Theo TTXVN