Thế giới

ILO: Mức tổn thất thời giờ làm việc của ASEAN tăng vào cuối năm 2021

ClockThứ Sáu, 13/08/2021 16:41
Số các ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng có thể tiếp tục kéo dài khủng hoảng thị trường lao động, gia tăng mức tổn thất thời giờ làm việc của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đông Nam Á chịu nhiều tác động hơn bởi COVID-19ASEAN: Đoàn kết có thể vượt qua những thách thức từ đại dịchNgoại trưởng Mỹ chúc mừng ASEAN nhân kỷ niệm 54 năm thành lậpARF-28: Chung tay hành động là sức mạnh để chiến thắng dịch bệnhHàn Quốc kêu gọi đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống COVID-19

Tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Báo cáo COVID-19 và thị trường lao động ASEAN “Tác động và phản ứng chính sách” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa được công bố đã nhấn mạnh những tác động nặng nề mà đại dịch COVID-19 gây nên đối với các nền kinh tế ASEAN và đánh giá những kịch bản phục hồi có thể xảy ra.

Theo nghiên cứu mới của ILO thì thời giờ làm việc trong khu vực ASEAN dự báo sẽ chỉ có thể phục hồi phần nào trong năm 2021 và 2022. Tại Việt Nam, những đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra những khó khăn trong việc phục hồi thị trường lao động.

Thị trường lao động nửa cuối năm sẽ tệ hơn

Trong năm 2021, theo tính toán của ILO, ASEAN sẽ phải chịu mức tổn thất thời giờ làm việc là 7,4% đối với kịch bản cơ sở, 7% đối với kịch bản lạc quan và 7,9% đối với kịch bản tiêu cực so với thời điểm trước đại dịch.

Mức tổn thất thời giờ làm việc của khu vực ghi nhận trong quý đầu năm 2021 là 6,1% và trong quý 2 là 6,2% (so với quý 4/2019). Dự báo làn sóng dịch COVID-19 đang tiếp diễn sẽ khiến điều kiện thị trường lao động nửa cuối năm 2021 còn trở nên tệ hơn nữa.

Xét đến các biện pháp hạn chế di chuyển được áp dụng, tiến độ tiêm vaccine và tốc độ phục hồi của nền kinh tế, ILO không có kịch bản nào đưa ra dự báo rằng thời giờ làm việc sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2022.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Cuộc khủng hoảng đã làm lộ rõ những mảng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế và thị trường lao động trong khu vực."

"Với tình hình này có thể còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Vấn đề cấp bách là các nước ASEAN phải đẩy nhanh các chính sách và chương trình giúp tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình, tạo nền tảng vững chắc hơn cho việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người," bà Chihoko Asada-Miyakawa nhấn mạnh.

Báo cáo tóm tắt nêu rõ trong năm 2020, số lượng người lao động có việc làm trong khu vực thấp hơn kịch bản nếu đại dịch không xảy ra là 10,6 triệu người. Mức tổn thất thời giờ làm việc của khu vực ghi nhận trong năm 2020 là 8,4%, tương đương với thời giờ làm việc của khoảng 24 triệu lao động toàn thời gian và thu nhập cũng giảm 7,8%.

Trong số các nước ASEAN thì Philippines là nước phải gánh chịu mức tổn thất thời giờ làm việc nặng nề nhất trong năm 2020, theo đó thời giờ làm việc theo năm đã giảm 13,6%. Ngược lại, thời giờ làm việc của các nước như Việt Nam, Brunei, Lào và Thái Lan chỉ giảm dưới 6%. Phụ nữ và lao động trẻ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng mất việc làm.

Tổn thất về số giờ làm việc của các nước trong ASEAN trong năm 2020

Đại dịch đã tác động đến nền kinh tế và thị trường lao động của các nước ASEAN qua nhiều kênh khác nhau trong đó bao gồm cả việc chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus, sự suy giảm nghiêm trọng của ngành du lịch, mức sụt giảm của tiêu dùng trong nước và tác động thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo cáo tóm tắt cho biết, tính đến tháng 5 năm 2021, các nước ASEAN đã phân bổ tổng cộng gần 16% GDP cho các phản ứng kích thích tài khóa. Tuy nhiên, cần thiết phải có thêm những hành động chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ lao động để đảm bảo một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng lấy con người làm trung tâm ở khu vực ASEAN.

40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực ở kịch bản xấu

Trong báo cáo về tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm 2021 của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), dự kiến 3 kịch bản thị trường lao động trong thời gian tới cũng được đưa với 3 mức tương tự như báo cáo của ILO gồm: Tốt, thường và xấu.

Với kịch bản tốt là dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trong tháng 8, các tỉnh dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngay trong nửa đầu tháng 8. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên…

Thị trường lao động theo kịch bản tốt bị ảnh hưởng nặng nề ở những tỉnh có số ca mắc lớn, phải thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa bàn lân cận có ảnh hưởng liên quan thì dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong quý 3/2021 là hơn 22 triệu người.

Theo kịch bản tốt, số lao động bị tác động tiêu cực tập trung vào lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phong tỏa, giãn cách như trong khu công nghiệp, khu chế xuất, làm việc trong các ngành chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, bán buôn bán lẻ, nghệ thuật….

Số lao động mất việc ước tính 500.000-600.000 người, số lao động ngừng việc, cắt giảm giờ làm khoảng 5 triệu người. Tuy nhiên, thị trường lao động lại có nhu cầu tuyển dụng lớn để phục hồi sản xuất kinh doanh, số lao động có nhu cầu tuyển dự kiến trong quý 3 trên 500.000 người.

Còn với kịch bản thường là trong trường hợp các tỉnh thành phố phía Nam đã áp dụng mạnh mẽ các biện pháp để giãn cách xã hội, hỗ trợ những lao động ngoại tỉnh tạm thời không ồ ạt về quê… Tuy nhiên, số ca F0 liên tục tăng, không có chiều hướng giảm. Một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung cũng bắt đầu gia tăng số ca F0. Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trên 30 triệu người, tập trung vào các ngành: Chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ…

Ở kịch bản xấu, việc triển khai mua và tiêm vaccine không đáp ứng nhu cầu, không được bàn giao theo đúng tiến độ nên kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng gặp khó khăn. Dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực cạn kiệt, người dân rơi vào tình trạng mất việc làm, không đảm bảo được điều kiện sống khiến dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát.

Dự báo sẽ có gần 40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, lao động trong các ngành, nghề đều bị tác động nặng nề đối với kịch bản xấu.

Cục Việc làm đánh giá tác động của hai đợt dịch COVID-19 trong 7 tháng qua đến thị trường lao động là vô cùng lớn. Đặc biệt, đợt dịch trong tháng Bảy đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía Nam, vốn là nơi thu hút nhân lực nhất của cả nước.

Theo Cục Việc làm, sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong cuối tháng Bảy vừa qua cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp, đặt ra nhiều vấn đề về khả năng phục hồi thị trường lao động thời gian tới.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Return to top