Phân loại các gói hàng tại một công ty giao hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của khu vực vượt mức 10 tỷ USD trong năm 2017, tăng từ mức 5,5 tỷ USD vào năm 2015. Trong đó, Indonesia đang dẫn đầu khu vực về thương mại điện tử và được dự kiến sẽ chiếm 52% tổng mức tăng trưởng tại thị trường này đến năm 2025. Singapore, nơi có trụ sở của 2 công ty thương mại điện tử khổng lồ khu vực là Lazada và Zalora, là thị trường thương mại điện tử tiên tiến nhất. Tại Thái Lan, thương mại điện tử là phương thức mua hàng và bán hàng kỹ thuật số chính đang tăng trưởng hơn 100%.
Với sự phát triển trong khả năng tiếp cận công nghệ và kết nối, sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy khi người tiêu dùng trực tuyến trong khu vực mua sắm nhiều hơn. Thị trường thương mại điện tử trong khu vực được dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 31% đến năm 2025, với giá trị ước đạt 88 tỷ USD.
Mua sắm trực tuyến và khí hậu
Khi liên kết thị trường đang bùng nổ về mua sắm trực tuyến với môi trường, nhiều nghiên cứu đã so sánh tác động của các xu hướng tiêu dùng thay đổi đối với khí thải nhà kính. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác nhau dựa trên nguồn gốc và các điểm đến của việc mua hàng, cũng như hành vi mua sắm.
Một nghiên cứu của ông Dimitri Weideli thuộc Trung tâm Vận tải & Hậu cần MIT cho thấy, mua sắm trực tuyến có ít tác động đến môi trường hơn so với mua sắm truyền thống.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến lượng khí thải nhà kính trong hoạt động mua sắm truyền thống là việc đi lại của khách hàng; trong khi đối với mua sắm trực tuyến, đó là việc đóng gói và vận chuyển hàng hóa. Điều này có nghĩa là, khi xem xét toàn bộ quá trình mua hàng, các yếu tố như vị trí khách hàng và sự lựa chọn vận tải ảnh hưởng rất lớn đến kết quả.
Đối với Công ty nội thất Thụy Điển IKEA, sự đột phá vào hoạt động mua sắm trực tuyến mang lại hiệu quả tích cực cho các nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Giám đốc phụ trách truyền thông và bền vững khu vực Đông Nam Á của IKEA, ông Lars Svensson cho rằng, thương mại điện tử giúp giảm việc đi lại của khách hàng đến và đi từ các cửa hàng, chiếm 14% lượng khí thải carbon; đồng thời giúp họ xử lý hiệu quả hơn trong việc chuẩn bị hàng hóa để giao hàng và thanh toán.
Điểm đáng chú ý là phần lớn tác động không chỉ phụ thuộc vào cách các doanh nghiệp hoạt động, mà còn cả cách người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua hàng của họ. Cả nhà bán lẻ trực tuyến và truyền thống có thể đóng vai trò quan trọng trong việc này, bằng cách thông báo cho khách hàng về tác động môi trường của các lựa chọn.
Với sự giáo dục và nhận thức đầy đủ, bản thân người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định sáng suốt về cách điều hướng trải nghiệm mua sắm của họ, trong khi theo dõi các tác động đến khí hậu, môi trường và thế giới.
LÊ THẢO (Lược dịch từ The ASEAN Post)