Thế giới đang bỏ lỡ mục tiêu bảo tồn thiên nhiên trong thập kỷ qua. Ảnh minh họa: Đại học James Cook/Getty Images/Nhân dân
Tuy nhiên, các chuyên gia nhất trí rằng một mục tiêu mới đưa ra là dễ, song sẽ không có tác dụng nếu không có kinh phí và sự giám sát chặt chẽ.
Theo đó, các nhà đàm phán từ khắp nơi trên thế giới đã có cuộc họp nhằm thảo luận về Công ước của Liên Hiệp quốc về Đa dạng sinh học (CBD) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ). Trong đó, các đại biểu sẽ bàn về khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị COP15 của Liên Hiệp quốc, tổ chức tại Côn Minh (Trung Quốc) vào cuối năm nay.
Trevor Sandwith, Giám đốc Trung tâm Hành động của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết: “Tôi cho là cả thế giới đều tin rằng bảo tồn thiên nhiên là điều cần thiết cho tương lai của hành tinh, kể cả các doanh nghiệp và ngành công nghiệp lớn”. Tuy nhiên, trong khi đưa ra mục tiêu và tỷ lệ phần trăm là rất dễ, những điều này chỉ nói lên một phần của câu chuyện.
Được biết, thế giới gần như đã thất bại hoàn toàn trong việc đạt được một loạt các mục tiêu 10 năm tương tự, đặt ra vào năm 2010 theo Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hiệp quốc.
Để tránh những sai lầm trong quá khứ, Giám đốc Trevor Sandwith cho rằng, công bằng và hiệu quả sẽ là chìa khóa trong cách các khu bảo tồn được đều hành và quản lý.
Đây là mối quan tâm đặc biệt của người dân bản địa, những người sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đạt được mục tiêu 30% đã đề ra này.
Động lực toàn cầu đã và đang phát triển trong 2 năm qua, với 90 nhà lãnh đạo thế giới ký cam kết đảo ngược tình trạng tổn thất tự nhiên vào năm 2030, qua đó nhấn mạnh rằng các mối đe dọa liên quan đến mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu là “tình trạng khẩn cấp của hành tinh”.
Vinod Mathur, người đứng đầu Cơ quan Đa dạng Sinh học Quốc gia Ấn Độ cho biết: “Việc bảo tồn chỉ có thể diễn ra khi chúng ta cung cấp cho các loài không gian để chúng sinh sống”.
Trong một diễn biến có liên quan, theo thống kê, thế giới đã đạt được mục tiêu bảo vệ 17% môi trường sống trên đất liền vào năm 2020.
Tuy nhiên, thế giới lại bỏ lỡ mục tiêu bảo vệ 10% các khu vực biển và ven biển. Cụ thể, hiện chỉ có 7% diện tích này được bảo tồn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các nước phải triển khai thực hiện nhiều phương pháp giám sát mới có thể bao gồm công nghệ như vệ tinh, cũng như báo cáo địa phương mạnh mẽ và rõ ràng hơn...
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)