Thế giới

Mỹ: Đợt tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đầu tiên sẽ diễn ra vào giữa tháng 12

ClockThứ Hai, 23/11/2020 14:58
TTH.VN - Tờ Nikkei ngày 23/11 dẫn lời một quan chức hàng đầu trong nỗ lực phát triển vắc-xin của Chính phủ Mỹ cho biết, các nhân viên y tế Mỹ và những người khác được khuyến nghị cho đợt tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên có thể bắt đầu được tiêm trong vòng 1 - 2 ngày sau khi có sự phê duyệt của cơ quan quản lý vào tháng tới.

G20 cam kết tài trợ việc phân phối công bằng vắc-xin COVID-19“Nhiệm vụ thế kỷ” - vận chuyển vắc-xin COVID-19 cần huy động tới 8.000 máy bay

Vắc-xin ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phát triển. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Theo ông Moncef Slaoui, Trưởng cố vấn khoa học của "Chiến dịch Warp Speed", khoảng 70% trên tổng dân số 330 triệu người của Mỹ sẽ cần được tiêm chủng, nhằm đạt được khả năng miễn dịch "cộng đồng" khỏi đại dịch COVID-19, một mục tiêu mà quốc gia này có thể đạt được trước tháng 5/2021.

Vào giữa tháng 12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể sẽ cấp phép cho việc phân phối vắc-xin do hãng Pfizer Inc và đối tác BioNTech của Đức sản xuất, khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

“Trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ khi được phê duyệt, vắc-xin sẽ được vận chuyển và đặt tại các khu vực tiêm chủng của mỗi bang. Vì vậy, tôi kỳ vọng, có thể vào ngày thứ 2 sau khi được phê duyệt, tức là vào ngày 11/12 hoặc 12/12, hy vọng những người đầu tiên sẽ được tiêm chủng trên khắp nước Mỹ", ông Moncef Slaoui nói thêm.

Một khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và một ban cố vấn về thực hành tiêm chủng sẽ khuyến nghị ai nên được tiêm vắc-xin trước. Theo ông Moncef Slaoui, những người này có khả năng bao gồm các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khẩn cấp "tuyến đầu", cũng như những cá nhân được coi là có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cao nhất, chẳng hạn như người cao tuổi.

Các cơ quan y tế công cộng ở mỗi bang sẽ chịu trách nhiệm quản lý việc triển khai vắc-xin, khi những liều vắc-xin đầu tiên được phân phối cho các bang tương ứng với dân số của họ.

Được biết, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã vượt ngưỡng 12 triệu ca vào ngày 21/11, khi số người tử vong được ghi nhận tại quốc gia này tăng lên hơn 255.000 người kể từ khi đại dịch bùng phát. Số ca nhập viện do COVID-19 cũng tăng gần 50% trong 2 tuần qua. Số liệu của Hãng Thông tấn Reuters cho thấy, tốc độ của các ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh hơn, khi có thêm gần 1 triệu trường hợp được ghi nhận trong 6 ngày qua, so với khoảng thời gian 8 ngày khi số ca nhiễm COVID-19 tăng từ ​​10 triệu lên 11 triệu trường hợp.

Tâm chấn của đại dịch COVID-19 ở Mỹ cũng đã thay đổi trong những tuần gần đây, với khu vực Trung tây Mỹ và khu vực Rockies dẫn đầu toàn quốc về số ca nhiễm leo thang nhanh chóng. Ông Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins lưu ý: “Các ca nhiễm COVID-19 không chỉ có ở những thành phố lớn, mà còn ở các vùng nông thôn, các thị trấn nhỏ”.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei Asia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top