Thế giới

Mỹ - Nhật khởi động đối thoại kinh tế, hợp tác về chất bán dẫn

ClockThứ Bảy, 30/07/2022 16:58
TTH.VN - Trong Đối thoại kinh tế “2+2” lần đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản ngày 29/7, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết hai nước đã nhất trí thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế mới về phát triển các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.

Nhật – Mỹ tổ chức cuộc đàm phán chiến lược đầu tiên về ASEANNhật-Mỹ dự kiến thời gian tổ chức đối thoại chiến lược “2+2”

Các bộ trưởng hai nước Mỹ - Nhật Bản tham dự Đối thoại “2 + 2” ngày 29/7 tại Washington. Ảnh: AFP/TTXVN

Tham dự cuộc đối thoại diễn ra ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda của nước này cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như cuộc khủng hoảng năng lượng và tình hình an ninh lương thực toàn cầu.

“Là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải làm việc cùng nhau để bảo vệ trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc, một trật tự mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia, cạnh tranh và phát triển thịnh vượng”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken phát biểu tại phiên khai mạc.

Theo Ngoại trưởng Blinken, các sự kiện thế giới gần đây, bao gồm đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi ngày càng nhiều quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần do các hoạt động cho vay không bền vững.

Cũng tại Đối thoại, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda khẳng định “Nhật Bản sẽ nhanh chóng hành động” về việc nghiên cứu các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, đồng thời cho biết Washington và Tokyo đã đồng ý thành lập một tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) mới để thiết lập một nguồn cung ứng an toàn đối với các thành phần quan trọng. Trung tâm nghiên cứu này cũng sẽ mở cửa cho các quốc gia “cùng chí hướng” khác tham gia, Bộ trưởng Hagiuda cho biết thêm.

Mặc dù kế hoạch chi tiết chưa được 2 nước công bố, nhưng tờ Nikkei Shimbun của Nhật Bản trước đó tiết lộ rằng trung tâm này sẽ được thành lập tại Nhật Bản vào cuối năm nay để nghiên cứu chip bán dẫn 2 nanomet. Trung tâm sẽ bao gồm một dây chuyền sản xuất nguyên mẫu và sẽ bắt đầu sản xuất chất bán dẫn vào năm 2025.

Nhấn mạnh “chất bán dẫn là trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo cho biết trong khuôn khổ Đối thoại “2 + 2” lần này, các bộ trưởng đã thảo luận về việc hợp tác về chất bán dẫn, “đặc biệt là đối với chất bán dẫn tiên tiến”.

Đài Loan hiện sản xuất phần lớn các chất bán dẫn dưới 10 nanomet, được sử dụng trong các sản phẩm như điện thoại thông minh. Tuy nhiên, đang có lo ngại về sự ổn định của nguồn cung từ Đài Loan do một số vấn đề về địa chính trị.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản: Lạm phát gạo sẽ tiếp tục gia tăng

Theo Japantimes, các bao gạo dự kiến sẽ sớm lấp đầy các kệ hàng tại các siêu thị Nhật Bản khi nông dân thu hoạch vụ mùa mới, nhưng nguồn cung tăng sẽ không giúp kiềm chế được sự gia tăng của giá gạo.

Nhật Bản Lạm phát gạo sẽ tiếp tục gia tăng
Nhật Bản cam kết quyên góp 3 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây thông báo Nhật Bản đã cam kết quyên góp khoảng 3 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ nhằm góp sức vào nỗ lực toàn cầu đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh đang hoành hành tại châu Phi và đã bắt đầu xuất hiện cả ở một số châu lục khác.

Nhật Bản cam kết quyên góp 3 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ
Return to top