Mỹ tạm dừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: KT/VOV
Johnson & Johnson cho biết sẽ trì hoãn việc triển khai vaccine sang châu Âu, một tuần sau khi các cơ quan quản lý ở khu vực này tuyên bố đang xem xét tình trạng rối loạn đông máu hiếm gặp ở 4 người tiêm vaccine của J&J. Nam Phi cũng đình chỉ việc sử dụng vaccine J&J.
Theo Quyền Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Janet Woodcock, cơ quan này dự kiến việc tạm dừng sẽ chỉ trong vài ngày và sẽ cung cấp thông tin cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về cách chẩn đoán và điều trị các cục máu đông.
Động thái này được đưa ra sau khi các nhà quản lý châu Âu cho biết vào đầu tháng này, họ đã tìm thấy mối liên hệ có thể có giữa vaccine COVID-19 của AstraZeneca và vấn đề đông máu hiếm gặp tương tự.
Quan chức FDA Peter Marks nhận định rằng các trường hợp của J&J “rất giống” với các trường hợp của vaccine AstraZeneca, trong khi không có trường hợp đông máu tương tự nào được báo cáo trong số những người tiêm vaccine của Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, sử dụng một công nghệ khác và chiếm phần lớn các ca tiêm chủng ở Mỹ cho đến nay.
Tuy nhiên, việc tiêm một liều J&J hoặc vaccine của AstraZeneca được coi là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên thế giới. Do đó, các chuyên gia miễn dịch học nhấn mạnh rằng nguy cơ gây ra bởi vaccine J&J có vẻ rất thấp.
Tiến sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng đây chưa phải là điều đáng lo ngại, khi nguy cơ biến chứng hiện nay thấp hơn nhiều so với tình tràng rối loạn đông máu do uống thuốc tránh thai. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng việc tạm dừng vaccine có thể làm tăng sự chần chừ trong việc tiêm chủng.
Theo FDA, đã có một trường hợp tử vong do tình trạng đông máu hiếm gặp ở những người tiêm vaccine của J&J, trong khi một người khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Việc tung ra vaccine ra thị trường của J&J đã bị hạn chế bởi các vấn đề sản xuất. Tính đến ngày 13/4, chỉ có 7,2 triệu liều vaccine J&J đã được sử dụng tại Mỹ, so với 185 triệu liều của hai loại còn lại.
Một ủy ban cố vấn cho FDI sẽ họp vào ngày 14/4 để xem xét các trường hợp đông máu và bỏ phiếu về các khuyến nghị cho việc sử dụng loại vaccine này trong tương lai. Sau đó FDA sẽ xem xét phân tích và đưa ra kết luận.
Tất cả 6 trường hợp rối loạn đông máu nói trên đều liên quan đến phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 48, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng từ 6-13 ngày sau khi tiêm chủng. FDA cho biết bệnh nhân nên theo dõi trong tối đa 3 tuần và phải cẩn trọng với các triệu chứng bao gồm đau đầu dữ dội, đau bụng, đau chân hoặc khó thở.
Trước những thông tin này, cổ phiếu của J&J đã giảm 1,6%. Phía J&J tuyên bố đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cho rằng không có mối quan hệ rõ ràng nào giữa tình trạng rối loạn đông máu với vaccine của hãng.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) khuyến nghị vẫn tiếp tục sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca, cho biết lợi ích mang lại nhiều hơn rủi ro. Tuy nhiên, một số quốc gia EU đã giới hạn việc sử dụng vaccine của hãng này cho một số nhóm tuổi nhất định.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP & Reuters)