Thế giới

Năm 2021: Những dự báo về khí hậu trở thành hiện thực

ClockThứ Sáu, 30/07/2021 15:15
TTH - Một loạt các sự kiện thời tiết nguy hiểm chưa từng có xảy ra trong mùa hè này, bao gồm nhiệt độ cao như ở Thung lũng Chết được ghi nhận tại phía Tây Canada, những trận lũ quét xảy ra trên khắp Tây Âu, mưa lũ hoành hành ở miền Trung Trung Quốc…, có thể khiến 2021 trở thành năm mà các dự báo về khí hậu trở thành một hiện thực không thể bỏ qua.

Nâng cấp hạ tầng công trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

Mưa lũ phá hủy nhiều tuyến đường tại Đức. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Thế giới đã khác

Theo một bài viết được Tờ AFP đăng tải, so với năm 2014, khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố đánh giá toàn diện lần thứ 5 về sự ấm lên toàn cầu, thế giới hiện nay đã khác. Một cột mốc quan trọng khác là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015, đặt ra mục tiêu chung là giới hạn nhiệt độ bề mặt của hành tinh ở mức “thấp hơn” 2 độ C so với mức của cuối thế kỷ 19. Và cho đến nay, ô nhiễm carbon từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, rò rỉ khí mê-tan và nông nghiệp đã khiến nhiệt độ tăng lên 1,1 độ C.

Nhà khí hậu học Robert Vautard, tác giả chính thuộc IPCC và là Giám đốc của Viện Pierre-Simon Laplace (Pháp) giải thích: “Ngày nay, chúng ta có các mô hình dự báo khí hậu tốt hơn, và các quan sát lâu hơn với tín hiệu rõ ràng hơn nhiều về biến đổi khí hậu”. Có thể cho rằng, bước đột phá lớn nhất là những nghiên cứu, trong đó lần đầu tiên cho phép các nhà khoa học nhanh chóng xác định mức độ mà biến đổi khí hậu thúc đẩy cường độ hoặc khả năng xảy ra của các sự kiện thời tiết cực đoan.

Chẳng hạn như, trong vài ngày, đối với “vòm nhiệt” nguy hiểm tại Canada và phía Tây Mỹ hồi tháng trước, nhóm World Weather Attribution đã tính toán rằng, sóng nhiệt gần như không thể xảy ra nếu không có sự ấm lên do con người gây ra.

Biến đổi khí hậu “rất rõ ràng”

Trước tình hình các đợt sóng nhiệt kỷ lục, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng xảy ra trên khắp 3 châu lục trong những tuần gần đây, từ ngày 26/7 - 6/8, các đại diện đến từ 195 quốc gia đang nhóm họp trực tuyến, để phê chuẩn một báo cáo khoa học khí hậu quan trọng của LHQ, 100 ngày trước thềm một hội nghị thượng đỉnh nhằm giữ cho Trái đất tiếp tục là nơi có thể sống được.

Trong bản báo cáo bao gồm 3 phần, cuộc họp nói trên sẽ xem xét phần đầu tiên về khoa học vật lý, dự kiến ​​được công bố vào ngày 9/8. Phần 2 của báo cáo sẽ được đưa ra vào tháng 2/2022, về các tác động. Phần 3 dự kiến được công bố vào tháng 3/2022, trong đó cân nhắc các giải pháp để giảm lượng khí thải.

Phần 1 của báo cáo sẽ dự báo nhiệt độ toàn cầu đến năm 2100 theo những kịch bản phát thải khác nhau, một số dự báo phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris, trong khi một số khác sẽ cao hơn mức tiền công nghiệp 3 hoặc 4 độ C. Ngoài ngưỡng nhiệt độ chưa được xác định, các bộ phận của hệ thống khí hậu có thể vượt qua một điểm “không thể quay lại”, bao gồm các tảng băng có thể khiến mực nước biển dâng cao nhiều mét, và tầng đất đóng băng vĩnh cửu chứa nhiều khí nhà kính hơn gấp 2 lần so với lượng khí nhà kính trong bầu không khí.

Trong báo cáo “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở Khoa học Vật lý”, Nhóm Công tác I thuộc IPCC sẽ tập hợp những tiến bộ mới nhất trong khoa học khí hậu, bên cạnh nhiều dòng bằng chứng để cung cấp sự hiểu biết vật lý được cập nhật về hệ thống khí hậu và biến đổi khí hậu.

Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của LHQ cho biết: “Các đánh giá và báo cáo đặc biệt là nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về biến đổi khí hậu, những rủi ro nghiêm trọng và ngày càng gia tăng mà vấn đề này gây ra trên toàn thế giới, cũng như nhu cầu cấp bách phải hành động để giải quyết vấn đề đó... Thế giới hiện đang đi theo hướng ngược lại, hướng tới mức tăng 3 độ C. Chúng ta cần thay đổi hướng đi khẩn cấp”.

Sau những trận lũ nghiêm trọng xảy ra gần đây ở một số quốc gia Tây Âu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã kêu gọi tất cả các quốc gia làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. “Biến đổi khí hậu đã rất rõ ràng. Chúng ta đang chứng kiến nhiều sự kiện cực đoan hơn; các đợt sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt ở châu Âu và Trung Quốc”, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas lưu ý.

Được biết, khoảng 234 tác giả đã thực hiện bản báo cáo nói trên, cung cấp đánh giá chi tiết mới nhất về sự ấm lên trong quá khứ và những dự báo về sự ấm lên trong tương lai; cho thấy làm thế nào và tại sao khí hậu biến đổi, sự tác động của con người đối với khí hậu.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ AFP, UN News & IPCC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Châu Á - Thái Bình Dương: 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu

Theo báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2025 vừa được Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố, nạn đói tiếp tục gia tăng, với 343 triệu người trên khắp 74 quốc gia đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, tại châu Á - Thái Bình Dương, 88 triệu người đang phải vật lộn với nạn đói do thảm họa liên quan đến khí hậu gây ra.

Châu Á - Thái Bình Dương 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
Return to top