Thế giới

Nạn buôn bán ma tuý tiếp tục tăng mạnh ở châu Á giữa đại dịch

ClockThứ Năm, 10/06/2021 15:28
TTH.VN - Theo một báo cáo mới của Văn phòng Liên Hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp - chủ yếu là ma tuý đá (methamphetamine) - đã tăng mạnh vào năm ngoái, nhất là ở châu Á.

Các nước Mekong cam kết hợp tác ngăn chặn nạn buôn bán ma túyMỹ thu giữ 13 tấn cocaine trên vùng biển Thái Bình DươngCác nước ASEAN hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia

Số vụ bắt giữ ma tuý ở châu Á tăng mạnh trong quý III/2020. Ảnh minh hoạ: Nhandan

Đã có lúc các chuyên gia theo dõi hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp ở châu Á ví nó như một cơn sóng thần, và nó không dừng lại, bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19 làm xáo trộn nhiều hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. 

Thực tế, trong khi đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế trong khu vực, các hoạt động tội phạm có tổ chức lại phát triển mạnh, trong đó sản xuất và phân phối ma túy tổng hợp gia tăng với số lượng kỷ lục.

Báo cáo cho biết số vụ bắt giữ buôn bán ma tuý bất hợp pháp ở Đông và Đông Nam Á đã giảm vào quý II/2020, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch. Nhưng "các vụ bắt giữ nhanh chóng tăng mạnh trở lại từ quý III, cho thấy sự linh hoạt của các nhóm tội phạm có tổ chức để thích ứng với sự thay đổi và lợi dụng các lỗ hổng ở biên giới các nước trong khu vực".

Theo báo cáo được công bố hôm qua (10/6), các vụ bắt giữ bao gồm tất cả các dạng ma tuý đá, cụ thể là viên nén, tinh thể, chất lỏng và bột, đạt mức cao nhất trong một năm vào năm 2020, trong đó các vụ bắt giữ ma tuý đá trong khu vực lên tới khoảng 170 tấn vào năm ngoái, tăng 19% so với năm 2019.

Đáng lo ngại, 71% tổng số vụ bắt giữ nằm ở 5 nước hạ lưu sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Hiện chưa có số liệu mới nào được đưa ra về giá trị thị trường ma tuý đá trong khu vực, nhưng ước tính gần đây nhất cách đây 2 năm, bao gồm cả ở Australia và New Zealand, đưa ra giá trị ở mức 61 tỷ USD.

Theo UNODC, 36,4 triệu viên ma tuý đã đã bị thu giữ ở Bangladesh trong năm ngoái. Sự gia tăng nguồn cung ma tuý được xem là lý do khiến giá thành hạ, thúc đẩy ngày càng nhiều người sử dụng hơn.

Cụ thể, Thái Lan đã báo cáo số lượng người sử dụng ma tuý đá dạng tinh thể tăng gấp 10 lần từ năm 2016 đến năm 2019, và giá thành của loại chất gây nghiện này được ghi nhận ở Campuchia và Malaysia đã giảm trong giai đoạn 2019 - 2020.

Ông Inshik Sim, một quan chức UNODC cho biết: “Việc giảm giá ma tuý đá ở Đông Nam Á là một vấn đề nghiêm trọng, cho thấy rõ ràng các chiến lược giảm nguồn cung đã không hiệu quả như dự kiến”.

Báo cáo cũng cho biết việc thị trường ma tuý đá tiếp tục phát triển không phải là mối lo ngại duy nhất khi việc sản xuất và buôn bán ketamine (một loại ma tuý tổng hợp cao cấp, được liệt vào danh mục thuốc độc bảng A) cũng gia tăng.

Hồi tháng giêng, 13 người ở Thái Lan đã tử vong do sử dụng một sản phẩm địa phương có tên là “K-powder milk” được xem là ketamine, UNODC cho biết. Khám nghiệm tử thi cho thấy sản phẩm có chứa ketamine, diazepam và caffein ở các dạng kết hợp và độ tinh khiết khác nhau. Rõ ràng, sự xuất hiện của các chất tác động thần kinh mới có khả năng gây hại, bao gồm cần sa tổng hợp và các thuốc benzodiazepine tự chế, đã làm tăng thêm sự phức tạp của tình hình.

Trước thực tế đó, ông Douglas, đại diện UNODC phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho rằng khu vực này thực sự cần thay đổi các nỗ lực ngoại giao, chính sách và thực thi pháp luật theo hướng giải quyết các lỗ hổng mà các tổ chức tội phạm lợi dụng, để xử lý vấn nạn kinh doanh ma túy tổng hợp…

BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á: Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu

Trong một thế giới ngày càng kết nối, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành vận tải biển, châu lục này vẫn là khu vực kết nối tốt nhất với các mạng lưới vận tải trên toàn thế giới, đánh giá mới nhất về vận tải biển năm 2024 vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố nêu rõ.

Châu Á Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Return to top