|
Phương tiện lưu thông trên một con phố ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Đáng chú ý, dân số triệu phú của New York hiện nay lớn hơn toàn bộ dân số của thành phố Orlando hay Pittsburgh. Người dân New York hiện có tài sản hơn 3 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của Brazil, Italy hay Canada.
Tuy nhiên, khu vực Vịnh San Francisco thuộc tiểu bang California (Mỹ) đang bắt kịp nhanh chóng. Dân số triệu phú của khu vực này đã tăng 82% trong thập kỷ qua, lên 305.700 người; đồng thời, khu vực Vịnh San Francisco cũng dẫn đầu về dân số tỷ phú, với 68 tỷ phú.
Theo nghiên cứu nói trên, Mỹ là nơi có 11 trong số 50 thành phố giàu nhất. Trong thập kỷ qua, sự gia tăng về tài sản công nghệ kết hợp với sự gia tăng của thị trường chứng khoán và hoạt động giao dịch đã tạo ra khối lượng tài sản kỷ lục. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, các biện pháp kích thích tài chính liên quan đến đại dịch đã thúc đẩy một cách hiệu quả việc tạo ra của cải.
Ông Andrew Amoils, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại New World Wealth cho biết: “Mỹ tiếp tục dẫn đầu các thành phố giàu có nhất thế giới nhờ sự thống trị trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và giải trí toàn cầu. Đáng chú ý, các thành phố của Mỹ đã hoạt động tốt hơn đáng kể so với các thành phố phương Tây khác trong thập kỷ qua, khi xét đến mức độ giàu có và tăng trưởng triệu phú nói chung”.
Trong khi đó, một số thành phố trên thế giới đã chứng kiến sự đảo ngược. Tokyo, thành phố giàu có nhất thế giới cách đây một thập kỷ, hiện đứng ở vị trí thứ ba, với dân số triệu phú giảm 5% xuống còn 298.300 người. London, thành phố giàu có nhất thế giới trong nhiều năm, đã tụt xuống vị trí thứ năm, với dân số triệu phú giảm 10% trong thập kỷ qua.
Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào top 10, trong đó Bắc Kinh chứng kiến số lượng triệu phú tăng 90% trong thập kỷ qua lên 125.600 triệu phú. Tuy nhiên, nền kinh tế chậm lại đang góp phần gây ra sự đảo ngược trong quá trình tạo ra của cải, với số lượng triệu phú giảm 4% vào năm ngoái.
Singapore đã tăng hai bậc lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng, với số lượng triệu phú tăng 64% lên 244.800 người. Hơn 3.400 triệu phú đã chuyển đến Singapore chỉ riêng trong năm 2023. Los Angeles cũng tăng hạng trong danh sách, tăng hai bậc lên vị trí thứ sáu với số lượng triệu phú tăng 45%.
Theo ông Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, các thị trường tài chính là động lực chính tạo ra của cải trên toàn thế giới trong thập kỷ qua. “Mức tăng 24% của S&P 500 trong năm ngoái, cùng với sự mở rộng 43% của Nasdaq và mức tăng đáng kinh ngạc 155% của bitcoin, đã nâng cao vận may của các nhà đầu tư giàu có. Những tiến bộ nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo, robot và công nghệ chuỗi khối đã mang đến cơ hội mới cho việc tạo ra và tích lũy của cải”, ông Juerg Steffen nhận định.