Thế giới

Nguy cơ hạn hán ở Thái Lan đe doạ nguồn cung đường và gạo toàn cầu

ClockThứ Tư, 05/07/2023 08:14
TTH.VN - Thái Lan đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để đối phó với nguy cơ hạn hán có thể kéo dài nhiều năm, đe doạ nguồn cung đường và gạo toàn cầu.

El Nino có thể tác động đến sản lượng của nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới

leftcenterrightdel
Hạn hán có thể đe dọa vị trí nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 thế giới của Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Theo các quan chức chính phủ, lượng mưa trên toàn quốc có thể thấp hơn tới 10% so với mức trung bình của mùa này và sự khởi đầu của kiểu thời tiết El Nino có thể làm lượng mưa tiếp tục giảm hơn nữa trong 2 năm tới.

Các nhà chức trách cảnh báo Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán trên diện rộng từ đầu năm 2024 tới.

Viễn cảnh đáng lo ngại đã khiến chính quyền Thái Lan yêu cầu nông dân chỉ nên trồng lúa trong một vụ duy nhất để tiết kiệm nước, và các nhà sản xuất đường lần đầu tiên sau 3 năm phải chứng kiến sự suy giảm sản lượng.

Theo Bloomberg, hạn hán chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lên cao ở quốc gia Đông Nam Á này khi rau quả, thực phẩm tươi sống và thịt trở nên đắt đỏ hơn do sản lượng thu hoạch giảm và thức ăn chăn nuôi cũng mắc hơn.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu Công ty Điện lực Nhà nước và Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia giúp lập kế hoạch dự phòng để tiết kiệm nước khi dữ liệu chính thức cho thấy từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nước này thấp hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022.

El Nino có thể dẫn đến tình trạng khô hạn hơn ở nhiều khu vực châu Á và châu Phi, trong khi gây mưa lớn ở Nam Mỹ, dẫn tới thiệt hại cho nhiều loại cây trồng trên toàn cầu.

Ảnh hưởng đến GDP

Được biết, El Nino trước đây đã có tác động đáng kể đến lạm phát toàn cầu và ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các quốc gia từ Brazil cho đến Ấn Độ, Australia.

Hiện tại, Thái Lan đang tìm cách duy trì sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế vốn đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ sự suy giảm ở Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan. Trong bối cảnh đó, hạn hán kéo dài có thể làm thất bại những nỗ lực kiểm soát lạm phát của nước này.

Thực tế, Thái Lan đang và sẽ phải tiếp tục vật lộn với nắng nóng kỷ lục trong năm nay.

Ông Euben Paracuelles, nhà phân tích tại Nomura Holdings, nhận xét rằng so với lạm phát, El Nino sẽ gây ra mối lo ngại lớn hơn đối với tăng trưởng. Ông cũng cho biết Thái Lan là nước xuất khẩu lương thực lớn, với chỉ một nửa tổng sản lượng đã đủ đáp ứng như cầu tiêu thụ trong nước. Vì vậy, nếu El Nino trở nên nghiêm trọng, nó có thể làm giảm 0,2 điểm phần trăm GDP của năm 2023 do điều kiện hạn hán có thể trùng với sản lượng thu hoạch theo mùa trong nửa cuối năm, đặc biệt là đối với gạo.

Trước đó, Ngân hàng trung ương dự báo Thái Lan sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 3,6% trong năm nay, tăng từ mức 2,6% trong năm 2022.

Nhu cầu điện ở Thái Lan đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng 4 vừa qua khi một số khu vực có nhiệt độ cao chưa từng thấy, buộc các công ty và hộ gia đình phải tăng cường sử dụng điều hòa để thoát khỏi cái nóng oi bức.

Đồng thời, lượng mưa dưới mức trung bình ở Thái Lan sẽ gây tác động toàn cầu lớn hơn khi ảnh hưởng đến các loại cây trồng như đường và cao su, thậm chí có thể đe dọa đến vị trí nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 thế giới của quốc gia này.

Dữ liệu cho thấy vào năm 2019 - năm đầu tiên của đợt El Nino trước, tổng các lô hàng xuất khẩu đã giảm 1/3 xuống còn 7,6 triệu tấn.

Mía là một loại cây trồng bền vững, nhưng các nhà máy xay xát Thái Lan đã dự báo sản lượng sẽ giảm. Điều đó sẽ cắt giảm nguồn cung cho thị trường thế giới và tiếp tục đẩy cao giá đường tinh luyện hiện đang dao động quanh mức cao nhất trong một thập kỷ.

Được biết trong niên vụ 2022-2023, quốc gia này đã sản xuất khoảng 11 triệu tấn đường và ước tính đã xuất khẩu khoảng 80% sản lượng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc Thái Lan thiếu các nỗ lực giảm thiểu dài hạn để ứng phó với lũ lụt và hạn hán có thể sẽ làm trầm trọng thêm những tác động của thời tiết khắc nghiệt đối với quốc gia này.

Ông Fabrizio Zarcone, Giám đốc quốc gia của WB tại Thái Lan cho biết: “Tần suất lũ lụt và hạn hán, cùng với tổn thất kinh tế và con người đi kèm ở mức cao khiến việc thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước trở nên quan trọng ở Thái Lan… Do vậy, quốc gia này cần có một khuôn khổ mạnh mẽ hơn để ưu tiên lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tài nguyên nước, cũng như việc quản lý sử dụng đất và nước”. 

BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitstimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng

Hiện tượng khí hậu được gọi là El Nino và La Nina, mang theo những đợt nắng nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán, sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cực đoan hơn trong những năm tới, sau khi Nam Mỹ hứng chịu đợt El Nino dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia thời tiết cho biết.

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top