Thế giới

Nhiệt độ toàn cầu liên tục lập kỷ lục mới, nắng nóng ngày càng gay gắt và thường xuyên hơn

ClockThứ Hai, 15/07/2024 07:20
TTH - Theo dữ liệu từ Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 6 vừa qua là tháng thứ 13 liên tiếp Trái đất phá kỷ lục nhiệt độ toàn cầu, đánh bại kỷ lục được thiết lập vào năm ngoái về tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận.

AI đóng vai trò lớn trong việc giải quyết các thách thức bền vững của châu ÁPhát triển cẩm nang toàn cầu giúp ứng phó tình trạng nhiệt độ tăngCăng thẳng nhiệt khiến các rạn san hô trên thế giới rơi vào khủng hoảng

 Tháng 6/2024 là tháng thứ 13 liên tiếp Trái đất phá kỷ lục nhiệt độ toàn cầu. Ảnh: The Guardian/Tuoitre

Cô Katherine Idziorek, trợ lý giáo sư về địa lý và quy hoạch cộng đồng tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, Mỹ cho rằng chúng ta nên quen dần với việc này khi đây được coi là “điều bình thường mới… Chúng ta cần chuẩn bị cho các đợt nắng nóng thường xuyên hơn”.

Hơn một nửa dân số ở Mỹ - tức gần 175 triệu người, phải đối mặt với nắng nóng cực độ vào ngày 4/7 vừa qua, và những ảnh hưởng của tình trạng “bình thường mới” này tiếp tục tàn phá nước Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Thực tế, nắng nóng là một phần của mô hình thời tiết tự nhiên liên quan đến hệ thống áp suất cao, khiến nhiệt độ cao bất thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tháng. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng hiện nay đang ngày càng gay gắt hơn và diễn ra thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu - một phần bắt nguồn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Theo nhà khí tượng học Alexander Gershunov tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego, thế giới đang nóng lên là điều mà tất cả chúng ta đã biết trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng khi những đợt nắng nóng tự nhiên này xảy ra, chúng sẽ bị ảnh hưởng và trở nên nghiêm trọng hơn bởi tác nhân biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Copernicus cho thấy tháng 6/2024 cũng là tháng thứ 12 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu nóng lên ở mức trên 1,5 độ C so với mức nhiệt ở thời tiền công nghiệp. Theo Thỏa thuận Paris 2015 của gần một thập kỷ trước, các quốc gia đã nhất trí cố gắng kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C để duy trì “một hành tinh có thể sống được”. Đó là mục tiêu dài hạn, vì vậy việc vượt quá mức tăng 1,5 độ C trong nhiều tháng, hoặc thậm chí một năm, không có nghĩa là mức nhiệt này sẽ vượt ngưỡng vĩnh viễn. Nhưng xu hướng này thật sự rất đáng lo ngại!

Tiến sĩ Gershunov cho biết các đợt nắng nóng giết chết nhiều người hơn và khiến nhiều người phải nhập viện hơn bất kỳ một hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nào khác. Dù vậy, chúng có thể ít được chú ý hơn vì chúng không tàn phá một khu vực cụ thể như bão, lũ lụt hay lốc xoáy, nhưng rõ ràng chúng là mối đe dọa lớn hơn đối với sức khỏe cộng động. Ở miền Tây nước Mỹ, nắng nóng có thể là nguyên nhân gây ra hơn 90 ca tử vong chỉ riêng trong tháng này.

Đáng lưu ý, tình hình có thể trở nên “đặc biệt nguy hiểm” khi các đợt nắng nóng cực độ kéo theo các thảm họa khác.

Gần đây, một nhóm các tổ chức môi trường, y tế và lao động đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ công nhận mối đe dọa về nhiệt độ cực cao bằng cách đưa nó vào các tuyên bố về thảm họa nghiêm trọng.

Ông David Sittenfeld, Giám đốc Trung tâm Môi trường tại Bảo tàng Khoa học Boston, cho rằng “nắng nóng giống như cơn bão thầm lặng”. Mặc dù các mối nguy hiểm khác liên quan đến khí hậu như mưa lớn và cháy rừng biểu hiện rõ hơn, nhưng nắng nóng ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân và có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về kinh tế - xã hội, ông Sittenfeld cảnh báo.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ NYTimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm
Thủy Lương ngày mới

Từ một vùng quê thuần nông với muôn vàn khó khăn, những năm gần đây phường Thủy Lương có nhiều chuyển biến, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối phường năm 2023 của thị xã Hương Thủy.

Thủy Lương ngày mới
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Return to top