|
Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng trên phạm vi rộng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, hiện tượng tẩy trắng san hô này đã bắt đầu hồi tháng 2/2023, và ảnh hưởng đến các rạn san hô ở mọi lưu vực đại dương lớn trên khắp 54 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Derek Manzello, điều phối viên của cơ quan theo dõi rạn san hô của NOAA nhận định: “Sẽ phải mất một thời gian để thực sự hiểu được tác động của hiện tượng này”. Các nhà khoa học đã báo cáo tỷ lệ tử vong của san hô lên tới 93% tại các rạn san hô ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico, điều phối viên này nói thêm.
Các rạn san hô là nơi sinh sống của khoảng 1/4 sinh vật biển. San hô cũng cung cấp thực phẩm, sinh kế và bảo vệ bờ biển cho khoảng 1 tỷ người. Theo một nghiên cứu của Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN), chúng cũng hỗ trợ hoạt động kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả 36 tỷ USD trong ngành du lịch.
Theo ông Derek Manzello, sự chuyển đổi trong hình thái thời tiết được gọi là Dao động El Nino - phương Nam từ El Nino hiện tại sang hình thái thời tiết La Nina mát mẻ hơn sẽ “có thể mang lại thời gian nghỉ ngơi cho nhiều khu vực khác nhau và dẫn đến mức giảm về tỷ lệ khu vực rạn san hô bị ảnh hưởng”. Tuy nhiên, nhiệt độ đại dương gần đây đã tăng cao đến mức có nguy cơ cho thấy, các mô hình thông thường có khả năng sẽ bị thay đổi.
Trong khi đó, các rạn san hô ở Florida đã ghi nhận tỷ lệ tử vong 100% ở một số khu vực sau khi nhiệt độ đại dương chạm ngưỡng 38,3 độ C hồi năm ngoái, ông Phanor Montoya-Maya, Giám đốc phụ trách chương trình phục hồi tại Tổ chức Phục hồi San hô (CRF), nơi nuôi dưỡng san hô trong các vườn ươm trên khắp quần đảo Florida Keys, cực Nam của tiểu bang Florida, Mỹ nói thêm.
Hồi tháng trước, Australia đã xác nhận rạn san hô Great Barrier mang tính biểu tượng của quốc gia này đang phải trải qua một đợt tẩy trắng hàng loạt mới, đánh dấu hiện tượng tẩy trắng lần thứ 5 kể từ năm 2016.
LÊ THẢO (Lược dịch từ Bloomberg & The Business Times)