Đoàn kết, hợp tác và hội nhập sẽ giúp ASEAN phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh minh họa: eetasia.com/Báo Mới
Không may, đại dịch COVID-19 bùng phát đã dẫn đến sự tàn phá kinh tế đối với ASEAN, điều này được cho là thách thức lớn nhất kể từ khi khu vực hình thành.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu tích cực cho thấy ASEAN có thể phục hồi kinh tế vào năm 2021.
Khuôn khổ Phục hồi Kinh tế Toàn diện ASEAN đã được phát triển bởi khu vực nhằm cụ thể hóa chiến lược phục hồi sau đại dịch của Đông Nam Á, bao gồm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, đồng thời đạt được sự hợp tác và hội nhập thương mại lớn hơn trong khu vực.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tháng trước, các nhà ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết và hội nhập kinh tế. Các vị lãnh đạo đại diện cho các nước trong khu vực cũng tái khẳng định cam kết cùng nhau chống lại đại dịch.
Được biết, các chính phủ ASEAN gần đây cũng đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19, với hy vọng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và hạn chế sự lây lan của đại dịch.
Tất cả các quốc gia ASEAN cũng đã tham gia vào Cơ chế Một cửa ASEAN, nơi các luồng thương mại và hàng hóa có thể được đẩy nhanh khi thông tin thương mại được chuyển đến các quốc gia nhờ vi tính hóa.
Sáu quốc gia bao gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã bắt tay vào Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN, giúp thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thông suốt trong khu vực. Với hệ thống trực tuyến này, việc vận chuyển hàng hóa qua các quốc gia Đông Nam Á có thể được theo dõi, diễn ra hợp lý và tiết kiệm hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia, các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch bằng cách giúp đỡ các cá nhân và doanh nghiệp về mặt tài chính. Đơn cử, chính phủ Thái Lan sẽ ban hành 1 gói kích thích mới trị giá 7 tỷ USD để giúp các cá nhân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat tin rằng nền kinh tế số hóa, cộng thêm tầng lớp trung lưu đang lên của ASEAN sẽ tạo nền tảng cho các nền kinh tế Đông Nam Á phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán GDP của ASEAN sẽ tăng 5,2% trong năm 2021.
Vào tháng 1/2021, Brunei trở thành Chủ tịch luân phiên cho khối ASEAN. Đây sẽ là lần thứ 5 Brunei đảm nhiệm vai trò chủ tịch. Chức vụ chủ tịch của năm nay chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều so với những nhiệm kỳ trước. Có thể nói, sự lãnh đạo của Brunei là rất quan trọng để ASEAN có thể hợp tác tốt với nhau, tạo nên thương mại thuận lợi, chống lại đại dịch thành công. Khu vực cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ trong nội khối và với các đối tác bên ngoài vào năm 2021.
Việt Nam đã đạt được thành tích tương đối tốt vào năm 2020 khi lãnh đạo khối ASEAN. Cụ thể là ghi nhận nhiều hiệp định quan trọng được ký kết, với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định quan trọng nhất. Brunei kỳ vọng ít nhất là sẽ nhân rộng thành công của Việt Nam, nhất là trong một năm quan trọng với ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ The Business Times)