Thế giới

Nhiều rào cản ngăn bước tiến của cuộc chiến chống đói nghèo

ClockChủ Nhật, 20/10/2024 06:39
TTH - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng, xung đột, nợ nần, khủng hoảng khí hậu và đại dịch là những nguyên nhân ngăn chặn tiến trình chống đói nghèo.

Hơn 24 triệu người đối mặt với nạn đói và thiếu nước ở miền Nam châu PhiIMF và WB cần cải cách nhiều hơn để chống lại biến đổi khí hậu

 Giảm nghèo phải được xác định là ưu tiên của mọi quốc gia. Ảnh minh họa: AP/Báo Quân đội Nhân dân

Cụ thể, WB cho biết, theo xu hướng hiện tại, sẽ mất hơn 3 thập kỷ để đưa gần 700 triệu người đang sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày cải thiện lên hơn mức đói nghèo cùng cực.

Tiến trình giảm nghèo gần như dừng lại

Trong báo cáo Nghèo đói, Thịnh vượng và Hành tinh, WB cho biết, những thất bại trong những năm gần đây có nghĩa là mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra về chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030 sẽ không đạt được. Phần lớn là do tỷ lệ đói nghèo toàn cầu đã giảm từ 38% vào năm 1990 xuống còn 8,5% vào năm 2024. Song tốc độ tiến triển này đã dừng lại và dự kiến sẽ chỉ tiếp tục giảm với đà khiêm tốn, tức chỉ giảm xuống còn 7,3% vào năm 2030.

Theo báo cáo, tình trạng nghèo đói cùng cực vẫn tập trung ở các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế thấp trong lịch sử và mức độ dễ bị tổn thương cao. Nhiều trong số đó nằm ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Axel van Trotsenburg, Giám đốc điều hành cấp cao của WB cho rằng, sau nhiều thập kỷ tiến bộ, thế giới đang phải trải qua những thất bại nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, hậu quả nghiêm trọng của nhiều thách thức chồng chéo, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm, đại dịch, nợ công cao, xung đột và dễ bị tổn thương, cũng như cú sốc khí hậu.

Chưa dừng lại ở đó, báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, có ít tiến triển trong việc đạt được một mục tiêu phát triển khác, cụ thể là mục tiêu giảm bất bình đẳng. Trong khi số lượng các quốc gia có khoảng cách đặc biệt lớn giữa người giàu và người nghèo đã giảm từ 66 nước xuống còn 49 nước trong suốt thập kỷ qua, tỷ lệ người dân sống ở các quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao vẫn không đổi ở mức 22%. Các quốc gia này tập trung ở Mỹ Latinh, Caribe và châu Phi cận Sahara.

Dựa trên quỹ đạo hiện nay, dự kiến sẽ có 622 triệu người (chiếm 7,3% dân số toàn cầu) sống trong cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Điều này có nghĩa là dự kiến sẽ có khoảng 69 triệu dân thoát cảnh nghèo đói cùng cực trong giai đoạn từ 2024 - 2030, thấp hơn đáng kể so với 150 triệu người đã làm được điều này trong giai đoạn từ 2013 - 2019.

Nếu tăng trưởng không tăng tốc và không toàn diện hơn, có thể phải mất hàng thập kỷ để xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và hơn một thế kỷ để đưa người dân vượt qua ngưỡng nghèo 6,85 USD/ngày.

Biến đổi khí hậu gây ra rủi ro cơ bản cho tiến trình giảm nghèo và giảm bất bình đẳng

Ngày nay, cứ 5 người thì có 1 người có nguy cơ gặp phải hiện tượng thời tiết cực đoan trong đời. Điều này có nghĩa là họ có khả năng phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng trong sinh kế, cản trở đáng kể nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Để bảo vệ con người khỏi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cần hành động trên hai mặt trận: Giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương bằng cách tăng cường quản lý rủi ro và ngăn chặn sự leo thang của các mối nguy hiểm về khí hậu trong tương lai thông qua đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để giảm cường độ phát thải…

Xác định ưu tiên, tập trung hành động

Giám đốc phụ trách chính sách liên quan đến bất bình đẳng tại Oxfam Max Lawson cho biết: “Với 1% người giàu nhất nắm giữ nhiều của cải hơn 95% người nghèo nhất, không có gì đáng ngạc nhiên khi phải mất một thế kỷ để chấm dứt đói nghèo. Giảm nhanh chóng và giải quyết triệt để bất bình đẳng ở mọi quốc gia cũng vì vậy nên là ưu tiên hàng đầu và tuyệt đối của Ngân hàng Thế giới”.

Hiện nay, cải thiện thu nhập lao động bằng cách tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, tăng cường đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản sẽ rất quan trọng để giúp những người sống trong cảnh nghèo đói được hưởng lợi và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng. Từ đó tăng cường khả năng phục hồi của họ trước những cú sốc đang ngày càng nhiều.

Dù vậy, chỉ riêng tăng trưởng thu nhập trung bình không phải là đủ để đánh giá sự phát triển. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi thịnh vượng chung, thước đo về tính toàn diện của tăng trưởng. Tăng trưởng nhanh hơn và toàn diện hơn là điều kiện tiên quyết để đạt được thịnh vượng chung.

Trong bối cảnh cách mạng dữ liệu, cần có những khoản đầu tư đáng kể để hiện đại hóa các cuộc khảo sát và đẩy nhanh quá trình tích hợp, chuẩn hóa nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế và chính phủ các nước dễ dàng nhìn thấy con đường hành động. Ngoài ra, tập trung vào việc tận dụng các mô hình học máy và trí tuệ nhân tạo cũng sẽ chung sức thu hẹp khoảng cách dữ liệu, cho phép tiến trình giám sát trở nên kịp thời, điều hướng hành động để đạt được mục tiêu chung về giảm nghèo bền vững.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The Guardian & World Bank Group)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top