|
Dân số toàn cầu dự báo sẽ đạt đỉnh khoảng 10,3 tỷ người vào giữa những năm 2080. Ảnh minh họa: UN/TTXVN |
Trên đây là những phát hiện quan trọng được tiết lộ trong báo cáo Triển vọng Dân số thế giới năm 2024 vừa được Liên hợp quốc (LHQ) công bố.
Tuy nhiên, những thay đổi về dân số thế giới không đồng đều và bối cảnh nhân khẩu học đang phát triển, với tốc độ tăng dân số nhanh chóng ở một số nơi và tình trạng già hóa nhanh chóng ở những nơi khác, khiến dữ liệu dân số đáng tin cậy trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết”, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định.
Qua đó, cơ quan này cho rằng, báo cáo Triển vọng Dân số thế giới “phải được sử dụng để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của những người bị bỏ lại phía sau”.
Để nghiên cứu dữ liệu dân số này một cách chặt chẽ hơn, ấn bản thứ 28 của báo cáo Triển vọng Dân số thế giới do Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (DESA) công bố, cung cấp dữ liệu nhân khẩu học mới nhất cho 237 quốc gia trong giai đoạn 1950 - 2024, và dự báo cho đến năm 2100.
Báo cáo Triển vọng Dân số thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững, khi có khoảng 1/4 chỉ số dựa vào dữ liệu của báo cáo này.
Tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa
Tỷ lệ sinh chung của thế giới đang giảm, trung bình phụ nữ sinh ít hơn một con so với khoảng năm 1990.
Tại hơn một nửa số quốc gia và khu vực, số ca sinh trung bình trên mỗi phụ nữ ở mức thấp hơn 2,1 con, mức cần thiết để dân số duy trì quy mô không đổi.
Trong khi đó, gần 1/5 tổng số các quốc gia và khu vực, bao gồm Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha, hiện có mức sinh “cực thấp”, với tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ là dưới 1,4 con trong suốt cuộc đời.
Đạt mức đỉnh
Tính đến năm 2024, quy mô dân số đã đạt đỉnh ở 63 quốc gia và khu vực, bao gồm Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Liên bang Nga, và tổng dân số của nhóm này được dự báo sẽ giảm 14% trong vòng 30 năm tới.
Độ tuổi trung bình của dân số thế giới cũng ngày càng tăng. Vào cuối những năm 2070, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ vượt số người dưới 18 tuổi.
Điều này một phần là do tuổi thọ trung bình tăng lên và tỷ lệ tử vong giảm trong 3 thập kỷ qua. Vào cuối những năm 2050, hơn một nửa số ca tử vong trên toàn cầu sẽ xảy ra ở độ tuổi từ 80 trở lên, tăng đáng kể so với tỷ lệ 17% vào năm 1995.
Tăng trưởng nhanh
Trong khi dân số tăng chậm hoặc giảm chủ yếu xảy ra ở các quốc gia có thu nhập cao, thì dân số tăng nhanh sẽ được chứng kiến ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Cụ thể là Angola, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Niger và Somalia, được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng dân số rất nhanh, với tổng dân số sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2024 - 2054.
Sự gia tăng dân số này sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên, đặc biệt là ở khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á, đồng thời kết hợp với tình trạng đô thị hóa được quản lý kém và mức sống ngày càng tăng, sẽ làm trầm trọng thêm các tác động đến môi trường.
Biến đổi khí hậu, một thách thức lớn, ảnh hưởng nhiều nhất đến các quốc gia này, nơi nhiều người sống dựa vào nông nghiệp, và tình trạng mất an ninh lương thực trở nên phổ biến.
Ở các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan và Mỹ, dân số dự kiến cũng sẽ tăng đến năm 2054, và có khả năng đạt đỉnh vào nửa sau thế kỷ hoặc muộn hơn.